75% đường nội tồn kho, đường lậu vẫn ồ ạt "chảy" qua biên giới

Thứ Sáu, 10/05/2019 16:36

|

(CATP) Một nghịch lý “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” về chuyện đường nội hiện đang tồn kho rất lớn, nhiều nhà máy đường thua lỗ, nguy cơ phá sản; trong khi đó ở biên giới Tây Nam, đường lậu vẫn ồ ạt nhập lậu rồi gắn “mác” đường nội, đưa ra thị trường.

75% đường nội địa tồn kho

Hiệp hội Mía đường Việt Nam đang kêu cứu đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, 3 năm liên tiếp ngành mía đường bị tác động tiêu cực. Kết quả kinh doanh giảm sút, nhiều nhà máy đường, công ty mía đường có nguy cơ thu lỗ, phá sản.

Tính đến ngày 15-3-2019, cả nước có 36 nhà máy đường đang hoạt động, ép gần 8 triệu tấn mía, sản xuất được 750 tấn đường các loại. Ngoài ra, các nhà máy tinh luyện được khoảng 150 ngàn tấn đường từ nguyên liệu đường thô nhập khẩu.

Trong quý I/2019, tình hình tiêu thụ đường chậm. Lượng đường tồn kho các vụ trước và hiện nay vẫn còn khoảng 75%. Giá đường cát trắng là 10.500 đồng/kg. “Nếu bán giá này, nhà má yse lỗ ,bở ichi phí sả nxuấ tcao hơn giá thị trường” - lãnh đạo một nhà máy mía đường nhìn nhận.

Đường cát nhập lậu trá hình bằng nhãn đường trong nước

Nhiều nhà máy mía đường trước nguy cơ đóng cửa, còn người dân trồng mía thì lao đao. Mía thu mua chậm, chất lượng thấp, giá rẻ, năng suất mía giảm, người trồng thua lỗ nặng. Diện tích trồng mía dần bị thu hẹp. Niên vụ 2018 - 2019, sản lượng mía đạt khoảng 14 triệu tấn, sản lượng đường đạt khoảng 1,3 triệu tấn, giảm so với niên vụ trước và tương đương các niên vụ 2015 - 2016, 2016 - 2017.

Dự kiến tình hình sản xuất niên vụ 2019 - 2020 sẽ tiếp tục giảm, diện tích còn khoảng 220.000 héc-ta, sản lượng mía khoảng 13 triệu tấn, sản lượng đường khoảng 1,25 triệu tấn.

Vào thời điểm này, tại các tỉnh trồng mía, người dân than vắn thở dài vì mía được thu mua chậm và chậm thanh toán. Thậm chí một số nhà máy đường không tiếp tục thu mua mía. Do thiết bị sản xuất không được nâng cấp, nhiều nhà máy chế biến mía xuống cấp trầm trọng, gây ô nhiễm môi trường.

Về vấn đề này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, doanh nghiệp mía đường đang thiếu vốn lưu động, các ngân hàng thắt chặt việc cho vay, nhiều nhà máy không có tiền để thanh toán mía nguyên liệu cho nông dân. Việc nâng cấp nhà máy là mơ ước “xa xỉ” của ngành mía đường.

Khoảng 700.000 tấn đường nhập lậu

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong khi đường nội địa sản xuất tồn kho rất lớn thì đường ngoại vẫn nhập lậu ồ ạt. Mỗi năm, đường ngoại nhập lậu khoảng 500 - 700 tấn. Riêng năm 2018, lượng đường nhập lậu lên đến gần 700.000 tấn. Tình trạng buôn lậu đường cát “nóng” nhất là ở các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Quảng Trị, Hà Tĩnh...

Cơ quan chức năng tỉnh An Giang kiểm đếm đường nhập lậu bị bắt trong dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua

Ngoài các “điểm nóng” trên, đường nhập lậu còn được vận chuyển qua đường biển ở các địa phương: Hải Phòng, Thái Bình... Đường lậu được tập kết dọc biên giới Lào, Campuchia rồi vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy vào nước ta. Sau đó, hàng lậu được đưa đến nơi tập kết, vận chuyển bằng xe tải đến các điểm tiêu thụ.

Ban chỉ đạo 389 An Giang đánh giá: Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tỉnh này còn phức tạp. Tuy nhiên, mức độ, quy mô tổ chức hoạt động đã giảm đi đáng kể, riêng mặt hàng đường cát nhập lậu lại gia tăng mạnh. Các đầu nậu tập kết, thay đổi bao bì, sử dụng vỏ lãi, xuồng máy công suất lớn, xe máy... để vận chuyển đường lậu từ biên giới Campuchia vào nội địa.

Số đường nhập lậu bị tịch thu ngày càng nhiều

Trong 4 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chống buôn lậu của tỉnh An Giang phát hiện, bắt giữ gần 260 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 23 tỷ đồng (giảm hơn 24% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, mặt hàng đường cát nhập lậu bị bắt giữ với tổng trọng lượng hơn 47 tấn (tăng 134% so với cùng kỳ).

Các đối tượng lợi dụng đêm tối, ngày lễ, tết để vận chuyển đường cát vượt sông từ Camphuchia về Việt Nam. Lúc 23 giờ 30 ngày 28-4 vừa qua, trên QL91 qua xã Bình Long (H.Châu Phú, An Giang), Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh này tiến hành kiểm tra 2 xe tải BS: 67C-043.67 do tài xế Lê Minh Đức (SN 1985, ngụ H.Thoại Sơn) điều khiển và 84C-035.55 do tài xế Dương Kim Tính (SN 1989, ngụ H.Tịnh Biên, An Giang) điều khiển.

Chiếc xe chở 400 bao đường nhập lậu bị bắt giữ

Qua đó, phát hiện xe tải BS: 67C-043.67 chở 400 bao đường cát, xe tải BS: 84C-035.55 chở 320 bao đường cát (loại 50kg/ bao). Trên bao bì có in dòng chữ “Công ty TNHH MTV Kim Hưng Lợi”. Ước tính tổng trị giá số hàng trên khoảng 360 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Đức và Tính xuất trình hóa đơn giao hàng, nhưng qua kiểm tra, nghi vấn hóa đơn này không hợp lệ.

Hôm sau, tại khu vực biên giới thuộc xã Khánh Bình (H.An Phú, An Giang), tổ công tác mật phục phát hiện một số đối tượng bốc vác các bao tải từ vỏ lãi lên kho nông sản của bà Phạm Thị Ly, có biểu hiện nghi vấn nên tiếp cận kiểm tra. Thấy lực lượng chức năng, các đối tượng điều khiển phương tiện chạy sang bờ sông phía Campuchia tẩu thoát.

Kiểm tra kho nông sản của bà Ly, tổ công tác phát hiện có 130 bao đường cát, tổng trọng lượng 6,5 tấn, trên vỏ bao in hàng chữ “Cơ sở chế biến kinh doanh đường cát Ngọc Bích, xã Mỹ An Hưng B, Lấp Vò, Đồng Tháp”. Tuy nhiên, không ai nhận là chủ nhân của số hàng này.

Các đối tượng dùng xe tải lớn để chở đường nhập lậu

Trong ngày 30-4-2019, tổ công tác chống buôn lậu của tỉnh An Giang bắt giữ thêm 3 tấn đường cát không rõ nguồn gốc. Vừa qua, Đội Kiểm soát hải quan Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp phối hợp với CAP An Thạnh (TX.Hồng Ngự) phát hiện 79 bao đường để rải rác tại nhiều điểm trên vỉa hè, bụi chuối, bụi cỏ ven đường Điện Biên Phủ (P.An Thạnh), nhưng không có người trông giữ. Tổng trọng lượng hơn 3 tấn đường nhập lậu.

Đáng chú ý, trong số các bao đường vô chủ này, trên bao bì nhiều bao in chữ “WHITE SUGAR” do Thái Lan sản xuất. Một số bao ghi đường kết tinh không rõ nhãn hiệu, nước sản xuất. Một số bao khác đã được thay bao bì, nhãn mác của Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Lúc này là thời điểm khắc nghiệt nhất đối với ngành mía đường từ trước đến nay. Để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành mía đường, phải giảm giá thành tối đa ở tất cả các khâu, nâng cao giá trị tối đa cho các nhóm sản phẩm.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ đồng hành cùng hiệp hội, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất giống 3 cấp để đáp ứng đủ giống cho nông dân trồng. Qua đó, nâng cao năng suất trồng mía của Việt Nam lên 90 - 100 tấn, thay vì chỉ 50 - 60 tấn như hiện nay. Nông dân trồng mía cần cơ giới hóa tất cả các khâu, tưới nước khoa học, bón phân cân đối để tạo ra sản phẩm chất lượng, chi phí sản xuất thấp.

Ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam:

Nhà nước cần cơ cấu lại giá mía nguyên liệu theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích giữa nhà máy, công ty với nông dân theo tỉ lệ 70/30. Giá một tấn mía nguyên liệu tương đương 70kg đường, với giá đường chưa có thuế VAT tại thời điểm ở cửa nhà máy. Cơ cấu lại công nghiệp chế biến đường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, đủ khả năng cạnh tranh, phấn đấu giá thành đường dưới 10.000 đồng/kg.

Bình luận (0)

Lên đầu trang