(CAO) Tổ hợp năng lượng tái tạo gồm điện gió và điện mặt trời Trung Nam giai đoạn 1 mỗi năm sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia 950 triệu kWh – 1 tỷ kWh điện.
Sáng nay (27-4), Trungnam Group chính thức đưa vào vận hành tổ hợp trang trại năng lượng tái tạo điện mặt trời và điện gió Trung Nam giai đoạn 1 tại xã Bắc Phong và xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng nhiều lãnh đạo các bộ ngành và tỉnh Ninh Thuận đến dự và nhấn nút khánh thành dự án.
Phó thủ tướng và các đại biểu cắt băng khánh thành tổ hợp năng lượng điện gió và mặt trời
Đây là tổ hợp năng lượng tái tạo đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam tính đến tháng 5-2019 với tổng sản lượng khai thác hàng năm của tổ hợp năng lượng Điện gió – Điện mặt trời đạt 950 triệu kWh – 1 tỷ kWh điện mỗi năm.
Tổ hợp năng lượng tái tạo Trung Nam gồm trang trại điện gió và trang trại điện mặt trời được đấu nối trực tiếp với hệ thống lưới điện quốc gia thông qua Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm. Trong đó, nhà máy điện mặt trời có công suất 258 MW, sản lượng điện tối đa khoảng 577 triệu kWh/ năm.
Cánh đồng điện gió kết hợp năng lượng mặt trời
Tổng vốn đầu tư của tổ hợp dự án lên đến gần 10.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án trang trại điện gió khởi công ngày 7-8-2016 và dự án điện mặt trời khởi công từ ngày 7-7-2018 với 2.000 công nhân, kỹ sư và chuyên gia nước ngoài cùng nỗ lực vượt qua khó khăn để đưa dự án hoàn thành đúng kế hoạch.
Trang trại điện gió giai đoạn 1 của Trung Nam có 17 trụ cao 84,6m, đường kính cánh 103m với công suất 110 triệu kWh/năm. Đến khi hoàn thành cả 3 giai đoạn sẽ có tổng cộng 45 trụ với tổng công suất 423 triệu kWh/năm.
Đặc biệt công nghệ tua bin gió “Không hộp số” (Gearless) và tự động điều chỉnh đón gió do ENERCON (Đức) cung cấp có thể hoàn toàn vận hành bình thường ngay khi gió đạt tốc độ 2.5 m/s và cùng tốc độ gió như thế là các tua bin đã có thể khởi động.
Do không có hộp số, các công tác bảo trì hệ thống cho tuabin cũng ít hơn, khi không có ma sát gây hao mòn. Giảm được công tác bảo trì, chi phí duy tu của công trình được tối thiểu, tiết kiệm chi phí và tăng thời gian hoạt động khai thác.
Nhinh Thuận đang hướng tới thành trung tâm năng lượng tái tạo
Với trang trại điện mặt trời, đặc trưng là thiết bị INVERTER & công nghệ chuyển hóa bức xa mặt trời do Siemens cung cấp. Các thiết bị được thiết kế chịu nhiệt độ trên 40 độ C, mà không suy giảm hiệu suất chuyển hoá, cũng như không xảy ra tình trạng quá tải do nhiệt độ cao.
Các thiết bị, phụ kiện khác do Siemens triển khai đạt được kích thước tối ưu khi gọn và nhẹ hơn so với các hãng khác. Quan trọng nhất là tính linh hoạt mà công nghệ mang lại, với 18 bán dẫn, công trình có thể tiếp tục kết nối thêm các tấm pin mặt trời trực tiếp với hệ thống đã lắp đặt và tăng sản lượng khai thác.
Ông Lưu Xuân Vĩnh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết tỉnh được Chính phủ xác định là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Phát triển năng lượng tái được xác định là lĩnh vực mũi nhọn, đột phá trong phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp chủ trương cho các dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.816 MWm, tổng vốn đăng ký gần 50.000 tỷ đồng và 800 MW điện gió, tổng vốn đăng ký gần 28.000 tỷ đồng.
Dự án tổ hợp năng lượng tái tạo của Trung Nam cung cấp gần 1 tỷ kWh điện mỗi năm
Hiện có 8 dự án năng lượng điện gió và điện mặt trời đã hoàn thành và hòa vào lưới điện quốc gia. Trong đó, điện gió có 3 dự án với tổng công suất 116 MW và điện mặt trời có 5 dự án 631MW. Dự kiến từ nay đến cuối năm có thêm 13 dự án nữa hoàn thành với tổng công suất lên tới gần 700 MW, góp phần đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đây là dự án tổ hợp năng lương điện được Chính phủ hết sức quan tâm. Với việc dự án sớm hoàn thành và hòa vào lưới điện là minh chứng cho sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển năng lượng tái tạo.
Ghi nhận những nỗ lực của nhà đầu tư và tỉnh Ninh Thuận đã sát cánh cùng nhau vượt qua khó khăn để hoàn thành dự án đúng tiến độ, Phó thủ tướng cho rằng với nguồn điện sạch không chỉ bảo vệ về môi trường mà còn đóng góp nâng cao chất lượng sống cho người dân tại tỉnh Ninh Thuận.