(CAO) Thấy giá cổ phiếu KSA giảm mạnh, tính thanh khoản thấp. Phạm Thị Hinh nảy sinh ý định lập ra một số tài khoản để thực hiện giao dịch chéo nhằm tăng giá cổ phiếu, tăng tính thanh khoản.
Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố đối với bị can Phạm Thị Hinh (SN 1975, trú quận Hoàng Mai, Hà Nội) - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghiệp khoáng sản Bình Thuận - Công ty KSA), đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán VSM (Công ty VSM) và 3 đồng phạm gồm: Nguyễn Anh Tuấn (SN 1981, trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Trần Hồng Ngọc (SN 1981, trú quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Nguyễn Trọng Hùng (SN 1979, trú quận Hoàn Kiếm Hà Nội) về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” theo quy định tại Điều 211, khoản 2, điểm C – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo cáo trạng, cuối năm 2015, Phạm Thị Hinh thực hiện việc tăng vốn điều lệ của Công ty KSA bằng cách phát hành thêm 56,05 triệu cổ phiếu KSA chào bán ra công chúng. Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận lưu ký trên thị trường chứng khoán.
Sau khi phát hành, giá cổ phiếu KSA giảm mạnh, tính thanh khoản thấp. Phạm Thị Hinh nảy sinh ý định lập ra một số tài khoản để thực hiện giao dịch chéo nhằm tăng giá cổ phiếu, tăng tính thanh khoản.
Để thực hiện hành vi, Hinh chỉ đạo Trần Hồng Ngọc (nhân viên Công ty VSM) lập ra 69 tài khoản và thỏa thuận với Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Trọng Hùng (đều nguyên là nhân viên Công ty chứng khoán Maritime – MSI) sử dụng 69 tài khoản trên liên tục thực hiện việc mua, bán chứng khoán KSA để tạo cung cầu giả tạo trên thị trường nhằm thu hút nhà đầu tư.
Từ cuối năm 2015 đến ngày 8/7/2016, hành vi của các bị can đã gây thiệt hại cho 1.496 nhà đầu tư với số tiền hơn 8,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, 3 công ty chứng khoán gồm: Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, Công ty cổ phần chứng khoán Phú Hưng, Công ty cổ phần chứng khoán Dầu khí cho vay đối với các tài khoản do Hinh, Ngọc, Tuấn sử dụng giao dịch chéo cũng bị thiệt hại hơn 761 triệu đồng.
Đến nay, 124 bị hại yêu cầu các bị can phải liên đới bồi thường số tiền hơn 3 tỷ đồng. Ba công ty chứng khoán nói trên cũng có đơn yêu cầu bồi thường số tiền hơn 761 triệu đồng.
Cơ quan tố tụng nhận định, bị can Phạm Thị Hinh là người chủ mưu, khởi xướng và tích cực thực hiện hành vi phạm tội. Ba bị can còn lại: Ngọc, Tuấn và Hùng đóng vai trò là đồng phạm trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội.
Viện Kiểm sát cũng xác định, việc bị can Phạm Thị Hinh thực hiện hành vi theo ý kiến cá nhân, không thông qua HĐQT của Công ty KSA và Công ty VSM, không bàn bạc, thống nhất các nội dung liên quan đến hành vi phạm tội. Do đó, cơ quan điều tra không có căn cứ xác định vi phạm của pháp nhân là Công ty KSA và Công ty VSM.