(CAO) Xã Hà Tây (H.Chư Păh, Gia Lai) để mất hơn 850 héc-ta rừng được giao quản lý, tuy nhiên Chủ tịch và cán bộ UBND xã này vẫn không lo giữ rừng mà tìm cách chiếm đoạt tiền ngân sách dùng để bảo vệ rừng.
Ông Nay Kiên - Chủ tịch H.Chư Păh (Gia Lai) đã ký ban hành Kết luận thanh tra công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý dử dụng nguồn kinh phí chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của UBND xã Hà Tây. Kết luận được ban hành, một lần nữa gióng lên hồi chuông về tình trạng không lo giữ rừng, chỉ lo “vơ vét” tiền bảo vệ rừng đang xảy ra ở nhiều địa phương tại Gia Lai.
Xã Hà Tây có đến 3.697 héc-ta rừng tự nhiên, tuy nhiên sau đã để mất hơn 850 héc-ta rừng. Đoàn kiểm tra đã đi thực địa tại tiểu khu 191, 185 và 186 thuộc quản lý của xã và bất ngờ khi phát hiện tại đây không còn rừng, thay vào đó là cây mì, bời lời, lúa… Đoàn còn phát hiện cây gỗ đã bị chặt hạ nham nhở, đốt, thân cây cháy đen. Thời điểm chặt phá rừng được xác định từ năm 2016-2019.
Xã Hà Tây để mất hơn 850 héc-ta rừng
Chủ tịch UBND xã Hà Tây còn tự ý đưa gỗ vi phạm về làm bàn ghế riêng cho nhà mình. Cụ thể, nhận được tin báo của người dân về việc phát hiện 7 lóng gỗ vô chủ trong rừng, ông Thaoh - Chủ tịch UBND xã này đã thuê xe chở đi cưa xẻ làm mặt bàn, ghế cho nhà ông chủ tịch, trước sự ngỡ ngàng của cán bộ xã.
Từ năm 2016 - 2018, UBND X.Hà Tây còn lập chứng từ khống hơn 22 triệu đồng để rút tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền trên, được xã này dùng để tổ chức tiệc tất niên, hợp thức hóa tiền tuyên truyền pháp luật, và chi nhiều nội dung khác…
UBND X.Hà Tây còn tự ý cho mình được cái quyền trích lại 10% kinh phí mà người dân được thụ hưởng nhận khoán bảo vệ rừng, với số tiền gần 256 triệu đồng; trích lại 40% của 2 nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng là hơn 368 triệu đồng.
Theo trình bày của Chủ tịch UBND X.Hà Tây, việc trích tỉ lệ % đã "trao đổi, thống nhất" với Bí thư Đảng ủy xã, kế toán - tài chính xã để chi bồi dưỡng cho cán bộ tham mưu, làm thủ tục thanh toán hợp đồng bảo vệ rừng, chi tiếp khách. Số tiền này được giao cho kế toán giữ, khi cần thì chủ tịch xã chỉ đạo chi nhưng không có ghi vào sổ sách.
Dù 2 nhóm hộ đã hủy bỏ hợp đồng nhận khoán bảo về rừng, nhưng UBND X.Hà Tây vẫn lập khống 6 chứng từ để chiếm đoạt 271 triệu đồng tiền nhận khoán bảo vệ rừng. Số tiền này được xã giải trình là "cho cán bộ, công chức của xã mượn, các ban ngành ngành của xã tạm ứng". Thời điểm thanh tra, kiểm quỹ thì số tiền này chỉ còn lại hơn 59 triệu đồng. Để lấy số tiền 271 triệu đồng, kế toán xã đã lập danh sách và giả nhiều chữ ký của người dân được giao khoán bảo vệ rừng.
Người dân vây bắt 1 vụ vận chuyển
gỗ lậu trên địa bàn X.Hà Tây
Đoàn Thanh tra của H.Chư Păh xác định để mất rừng, người dân lấn chiếm đất rừng, tịch thu gỗ nhưng xử lý không đúng thuộc về trách nhiệm của UBND X.Hà Tây mà trực tiếp là ông Thaoh. Hành vi lập khống chứng từ, lấy tiền ngân sách trách nhiệm thuộc về ông Trần Văn Lĩnh – kế toán, ông Thaoh – Chủ tịch và ông Hnaih – nguyên Bí thư Đảng ủy X.Hà Tây. Tổng số tiền sai phạm cần phải thu hồi là 917 triệu đồng.
Ngày 9-8, ông Bùi Quang Thịnh – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Chư Păh cho biết, liên quan việc mất hơn 850 héc-ta rừng tại xã Hà Tây, từ trước đến nay, UBND xã chưa có báo cáo với đơn vị. Việc mất rừng ở Hà Tây có nhiều lý do, có một phần do người dân lấn chiếm, một phần khác do bàn giao qua nhiều thời kỳ chỉ trên giấy tờ mà không kiểm tra thực địa. Hiện, UBND huyện đã giao cho đơn vị, đề xuất, tham mưu xử lý vụ việc.