(CATP) Điều khiến dư luận sốc nhất là chất lượng kit/test của Công ty CP công nghệ Việt Á (Cty Việt Á) bị nghi ngờ về chất lượng, nhưng suốt mấy mùa dịch qua gần như cả nước đều dùng để xét nghiệm (XN), kiểm soát Covid-19, đặc biệt trong đợt dịch lần thứ 4. Đây được xem là vấn đề nghiêm trọng nhất trong vụ án Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty Việt Á - và đồng bọn liên quan đến việc đẩy giá kit/test XN Covid-19 do Cty này sản xuất (SX).
NHỮNG CÂU HỎI ĐẶT RA
Đây là vụ án cực kỳ nghiêm trọng, vấn đề tham nhũng, "thổi" giá đang được cơ quan chức năng điều tra xử lý. Điều dư luận quan tâm nhất là chất lượng bộ kit/test của Việt Á và đặt vấn đề: Với số lượng bán ra cực lớn như vậy (gần 4.000 tỷ đồng) cho 62 tỉnh thành trên cả nước sử dụng suốt mấy mùa dịch vừa qua, chất lượng kit của Việt Á liệu có đảm bảo? Một câu hỏi khác: Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, dù cả nước đã đạt miễn dịch cộng đồng bằng vắc-xin, có liên quan đến chất lượng bộ kit XN của Việt Á? Hàng loạt câu hỏi đặt ra liên quan đến công tác phòng chống (PC) dịch hết sức cấp bách như hiện nay, nhưng từ khi vụ án xảy ra, Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) vẫn chưa lên tiếng.
Công an khám xét Công ty Việt Á
Điều mà Bộ KHCN làm đầu tiên là lặng lẽ gỡ bỏ các bài viết liên quan với việc đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trên trang web của bộ này, nhưng không đính chính lại, đây là hành vi thiếu chuyên nghiệp và thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thiếu liêm chính trong khoa học. Dư luận đặt câu hỏi: Có phải đây là sơ suất sơ đẳng hay vì lý do nào khác? Người dân bình thường cũng không tin Bộ KHCN không biết thông tin này.
Nhìn vào cách Bộ KHCN "làm quy trình thần tốc" để cho ra lò sản phẩm kit của Việt Á sẽ hiểu. Sau buổi họp khẩn vào mùng 6 Tết (30-1-2020) khi dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta, bộ này đã bàn về các định hướng nghiên cứu góp phần PC dịch Covid-19; trong đó đặc biệt là chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kít) phát hiện virus corona chủng mới (nCoV).
Đến đầu tháng 2-2020, Bộ trưởng KHCN đã ký quyết định phê duyệt 4 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đột xuất góp phần PC dịch bệnh, trong đó có đề tài "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện virus corona chủng mới (nCoV)" do Học viện Quân y (HVQY) chủ trì, phối hợp với Cty Việt Á thực hiện. Ngày 2-3-2020, Bộ trưởng Bộ KHCN khi đó ban hành quyết định thông qua kết quả đề tài này.
Một ngày sau, Hội đồng nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 đề tài trên và ngay lập tức, ngày 4-3-2020 Bộ YT đã cấp phép sử dụng tạm thời cho 2 bộ sinh phẩm realtime PCR chẩn đoán SARS-CoV-2 (LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-PCR kit, LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR kit) trong thời hạn 6 tháng để sử dụng trong XN sàng lọc.
NGHI NGỜ VỀ CHẤT LƯỢNG
Trong cuộc họp báo ngày 5-3-2020, Bộ KHCN khẳng định Việt Nam (VN) trở thành 1 trong 6 đơn vị sản xuất (SX) được sản phẩm này, bên cạnh WHO, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Mỹ. Cũng tại cuộc họp báo này, Giáo sư Đỗ Quyết - Giám đốc HVQY - thông tin: "Học viện đã phối hợp với Công ty CP Việt Á trong nhiều năm để SX các bộ kít XN khác. Đây là công ty đã được cấp ISO kiểm định về quy trình SX kit và các bộ kít XN của Cty Việt Á chiếm 70% thị trường các bộ sinh phẩm XN ở VN và đã xuất khẩu sang một số nước". Lúc đó, ông Phan Quốc Việt thông tin với báo chí rằng "thời gian cho kết quả của bộ kít này là 2 tiếng, tương đương với các bộ kít khác của WHO nhưng giá bán chỉ từ 400-600 nghìn đồng, bằng 1/3 giá tiền của WHO" và tuyên bố, năng lực SX của Cty Việt Á khoảng 10.000 bộ kít/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần.
Đó chỉ là việc "ưu ái" trong quá trình cho ra đời sản phẩm kit/test của Cty Việt Á, còn chuyện bán buôn, phân phối sau đó được Bộ YT hết lòng giúp sức.
Tại địa chỉ này, Công ty Việt Á chỉ đặt nhờ bảng hiệu mà không có bất cứ hoạt động nào.
Vấn đề quan trọng hơn tất cả là chất lượng các bộ kit của Cty Việt Á SX có đảm bảo chất lượng không, vì liên quan trực tiếp đến hiệu quả chống dịch. Theo thông tin do Cty Việt Á cung cấp, bộ test này có độ nhạy 90% và độ đặc hiệu là 95%, nghĩa là nếu có 100 người mắc Covid-19 thì trên lý thuyết bộ kit/test này sẽ chẩn đoán được 90 người, sẽ có 10 người âm tính giả.
Đề nghị Bộ KHCN và Bộ YT cho kiểm tra và công khai tính chính xác của thông tin này. Bộ KHCN và Học viện Quân y, Hội đồng Khoa học cấp Quốc gia cũng cần công bố công trình nghiên cứu khoa học mà GS Đỗ Quyết tuyên bố tại buổi họp báo ngày 5-3- 2020 như trên. Thử tìm các dữ liệu khoa học bộ kit/test của Cty Việt Á trên PubMed (kho cơ sở dữ liệu miễn phí truy cập chủ yếu qua cơ sở dữ liệu MEDLINE về các tài liệu tham khảo và tóm tắt về các chủ đề khoa học đời sống và y sinh học) hoàn toàn không có thông tin nào cả!
Trong y khoa, kit/test XN không đảm bảo chất lượng rất nguy hiểm, bỏ sót những người nhiễm Covid-19 thật (kết quả âm tính) thì từ đó sẽ dẫn đến lây nhiễm cộng đồng. Còn nếu người đó không mắc Covid-19 mà XN dương tính, bắt họ cách ly, sẽ dễ bị lây nhiễm chéo. Đó là chưa tính đến tốn kém ngân sách khổng lồ bởi xài test không chất lượng.
Tất cả những vấn đề liên quan đến Cty Việt Á trong việc SX kit/test cần công khai càng sớm càng tốt. Đó không chỉ là vấn đề minh bạch trong khoa học, mà còn là trách nhiệm trước dân vì công tác chống dịch Covid-19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp. Nếu kit/test của Cty Việt Á có vấn đề về chất lượng cần điều chỉnh ngay để đảm bảo công tác PC dịch.
Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình: Cử tri nghi ngờ chất lượng kit/test của Công ty Việt Á
Trong phiên họp thứ 6 (đợt 2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 21-12, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho rằng, PC dịch Covid-19 tiếp tục là vấn đề được cử tri và người dân quan tâm. Vấn đề đặc biệt gây bức xúc hiện nay chính là việc "thổi giá" kit XN của Cty Việt Á. Hiện dư luận rất quan tâm đến chất lượng kit XN. Ông Dương Thanh Bình đặt vấn đề: "Đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, kể cả một số bộ và xử lý nghiêm minh, công khai kết quả".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là vấn đề được người dân quan tâm và đề nghị trong kỳ họp này (dự kiến đầu tháng 1-2022) nên có báo cáo bằng văn bản trước Quốc hội.