Hôm nay, xét xử đại án Vạn Thịnh Phát

Thứ Ba, 05/03/2024 09:47

|

(CATP) Phiên tòa có tổng cộng 86 bị cáo bị đưa ra xét xử. Tòa đã triệu tập 2.404 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong vụ án kinh tế này còn có một bị cáo đã nhận hối lộ với số tiền rất lớn, lên đến 5,2 triệu USD…

Phiên tòa dự kiến kéo dài hơn 50 ngày

Hôm nay (05/3/2024), TAND TPHCM đưa ra xét xử đại án Vạn Thịnh Phát. Bị cáo chủ mưu là Trương Mỹ Lan (SN 1956, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng chồng là Chu Lập Cơ (SN 1956, người Hồng Kông - Trung Quốc) và 84 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), các công ty, đơn vị, tổ chức khác liên quan. Đây mới chỉ là giai đoạn 1 của vụ án. Trong giai đoạn tiếp theo, cơ quan công an sẽ tập trung điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền của bà Trương Mỹ Lan.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã triệu tập 2.404 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các pháp nhân đứng tên vay, nhận tiền tại Ngân hàng SCB; các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN); những cá nhân đứng tên công ty, đứng tên vay, đứng tên tài sản thế chấp tại Ngân hàng SCB; các cá nhân thuộc nhóm cán bộ Ngân hàng SCB và người có quyền lợi, nghĩa vụ khác liên quan.

Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài hơn 50 ngày, có thể kết thúc vào ngày 29/4 tới.Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự - TAND TPHCM). Viện KSND Tối cao phân công 10 kiểm sát viên thuộc Viện KSND Tối cao và Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố. Trước đó, ngày 22/02/2024, các cơ quan chức năng đã hoàn tất việc di lý bà Trương Mỹ Lan và 80 đồng phạm từ phía Bắc vào TPHCM để phục vụ công tác xét xử.

Bà Trương Mỹ Lan cùng các bị cáo khác bị truy tố về nhiều tội danh như: tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản... Riêng bà Trương Mỹ Lan bị truy tố về 3 tội danh (tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, đưa hối lộ). Được biết, bà Trương Mỹ Lan có 5 luật sư bào chữa.

Vợ chồng Trương Mỹ Lan - Chu Lập Cơ sẽ cùng ra tòa hôm nay (05/3/2024)

TAND TPHCM cũng thông báo kêu gọi 5 bị can nguyên là lãnh đạo Ngân hàng SCB đang bị truy nã, liên quan đến vụ án sớm ra đầu thú để được hưởng khoan hồng, gồm: Đinh Văn Thành (nguyên Chủ tịch HĐQT), Chiêm Minh Dũng (nguyên Phó Tổng giám đốc), Trầm Thích Tồn (thành viên HĐQT), Nguyễn Thị Thu Sương (nguyên Chủ tịch HĐQT), Nguyễn Lâm Anh Vũ (nguyên Phó giám đốc Chi nhánh Bến Thành).

Bà Trương Mỹ Lan thao túng ngân hàng SCB

Vụ án này liên quan đến các vi phạm kéo dài 10 năm (từ năm 2012 - 2022). Đây là thời gian bà Trương Mỹ Lan đã thao túng, nắm quyền tại Ngân hàng SCB và chỉ đạo thực hiện hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật, lập số lượng lớn hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn. Tính đến ngày 17/10/2022, dư nợ 132.247 tỷ đồng do hành vi của bà Lan và các đồng phạm thực hiện không có khả năng thu hồi. Hành vi của bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 64.621 tỷ đồng. Từ ngày 09/02/2018 đến ngày 07/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB hơn 304.096 tỷ đồng, gây thiệt hại số tiền 129.372 tỷ đồng.

Ông Phạm Ngọc Duy cung cấp thông tin cho các phóng viên

Có 45 nguyên lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB, 15 nguyên cán bộ NHNN, 3 nguyên cán bộ Thanh tra Chính phủ, 1 nguyên cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị truy tố về các tội: tham ô tài sản, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.

Đặc biệt, liên quan hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm trong vụ án, cơ quan chức năng đã thu giữ, kê biên số lượng tài sản đặc biệt lớn, gồm hàng trăm nghìn tỷ đồng, 15 triệu USD, hàng nghìn bất động sản, nhiều xe sang, du thuyền...

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, Đoàn thanh tra liên ngành thực hiện việc thanh tra tại Ngân hàng SCB có 18 người, tất cả đều nhận tiền, quà từ lãnh đạo Ngân hàng SCB để thực hiện những hành vi sai phạm. Trong đó, Đỗ Thị Nhàn (nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, NHNN) nhận hối lộ nhiều nhất (5,2 triệu USD, tương đương gần 130 tỷ đồng). Những người còn lại nhận quà biếu với tổng số tiền gần 480.000 USD và 700 triệu đồng.

Phòng xử án và các phòng khác được gắn màn hình truyền hình trực tiếp

Cụ thể, theo cáo trạng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng II, NHNN đã thành lập đoàn thanh tra đối với hoạt động của Ngân hàng SCB từ năm 2017 - 2018 và triển khai thành 2 đợt thanh tra. Trong cả 2 đợt thanh tra, dù phát hiện Ngân hàng SCB có nhiều sai phạm lớn tại tất cả các nội dung thanh tra như: tăng trưởng tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; tỉ lệ cấp tín dụng vào các dự án bất động sản, xử lý nợ xấu...; khả năng bị phá sản là rất cao. Tuy nhiên, Đoàn thanh tra đều bỏ qua, chỉ quyết định xử phạt hành chính 4 vấn đề sai phạm của ngân hàng này, với số tiền là 965 triệu đồng.

Các bị cáo (từ trái sang): Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng, Hồ Bửu Phương

Ngoài ra, Đoàn thanh tra còn phát hiện rất nhiều sai phạm tại các khoản vay của nhóm 71 khách hàng ở cùng một địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, nhưng bưng bít, bao che, không báo cáo. Tại phần kiến nghị, Đoàn thanh tra đã đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB thực hiện tái cơ cấu, cho phép ngân hàng này xây dựng đề án tái cơ cấu. Do đó, lãnh đạo NHNN không có đủ thông tin để xử lý sai phạm của Ngân hàng SCB và ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan. Quá trình thanh tra, phía Ngân hàng SCB và bà Trương Mỹ Lan chủ động tiếp cận, nhiều lần biếu tiền, quà cho tất cả thành viên trong Đoàn thanh tra. Nhóm bị cáo này đã nộp lại toàn bộ số tiền trên trong quá trình giải quyết vụ án.

Thắt chặt an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho phiên xử

Chiều 04/3/2024, ông Phạm Ngọc Duy (Chánh văn phòng TAND TPHCM) thông tin công tác chuẩn bị cho việc xét xử đại án Vạn Thịnh Phát đã hoàn tất. Phiên tòa có hơn 200 luật sư; ngoài ra, tòa còn triệu tập 2.404 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do số lượng bị cáo, luật sư, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quá đông nên TAND TPHCM phải bố trí 2 phòng xử lớn nhất thông với nhau, ở mỗi phòng đều có 2 màn hình lớn để truyền hình trực tiếp phiên tòa.

Theo ông Duy, nhằm bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho phiên tòa, luật sư và phóng viên báo chí sẽ được trang bị máy tính do tòa án cung cấp. Phóng viên được bố trí tại phòng riêng, theo dõi, đưa tin phiên tòa qua màn hình dưới sự hỗ trợ đường truyền hình ảnh, âm thanh của Đài Truyền hình TPHCM. Đối với các bị cáo, tòa đã chuẩn bị khu cách ly, nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ. Do TAND TPHCM đang trong giai đoạn trùng tu nên không đủ điều kiện để bố trí cho thân nhân các bị cáo tham dự phiên tòa. Vì vậy, người nhà của các bị cáo không nên tới tòa. Trong thời gian xét xử đại án Vạn Thịnh Phát, hoạt động của TAND TPHCM vẫn diễn ra bình thường, việc tiếp nhận các vụ việc đối với người dân được bố trí ở khu riêng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang