Kêu gọi 5 bị cáo đang bỏ trốn trong vụ Vạn Thịnh Phát ra đầu thú

Thứ Tư, 21/02/2024 11:18

|

(CATP) Ngày 19/02, TAND TPHCM ban hành văn bản thông báo kêu gọi 5 bị cáo là cựu lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đang bị truy nã trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm, ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước; hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo quyền bào chữa, quyền tự bào chữa. "Trường hợp các bị cáo không ra trình diện hoặc đầu thú thì coi như tự bỏ quyền tự bào chữa và bị xét xử vắng mặt", thông báo nêu.

TAND TP.Hồ Chí Minh thông báo sẽ mở phiên toà sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 85 người khác về nhiều tội danh vào ngày 05/3/2024. Theo cáo trạng, Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ trong Ngân hàng SCB nhưng nắm giữ cổ phần từ 85 - 91,5% nên bị cáo là người thực tế có "quyền lực" cổ đông chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của ngân hàng này. Theo cơ quan công tố, từ ngày 01/01/2012 đến ngày 07/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản vay, số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng.

Đến ngày 17/10/2022, còn 1.284 khoản vay, dư nợ 677.286 tỷ đồng. Đồng phạm giúp sức cho bà chủ Vạn Thịnh Phát, ngoài số bị cáo phải ra trước tòa, còn có 5 cựu lãnh đạo của SCB đang bỏ trốn, gồm: Đinh Văn Thành - cựu Chủ tịch HĐQT; Chiêm Minh Dũng - cựu Phó Tổng Giám đốc; Trầm Thích Tồn - cựu thành viên HĐQT; Nguyễn Thị Thu Sương - cựu Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Lâm Anh Vũ - cựu Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - Trương Mỹ Lan

Trước phiên sơ thẩm, TAND TP.Hồ Chí Minh đã kêu gọi 5 bị cáo này ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước... nếu không sẽ bị xét xử vắng mặt và từ bỏ quyền tự bào chữa. Sai phạm của 5 cựu lãnh đạo SCB được chỉ ra trong cáo trạng của Viện KSND Tối cao. Trong đó, ông Đinh Văn Thành bị cáo buộc hai tội danh "Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Theo đó, từ ngày 28/6/2012 đến ngày 19/10/2017, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng tín dụng, Chủ tịch, thừa ủy quyền Chủ tịch HĐQT, bị cáo Thành đã ký 41 biên bản... đồng ý cho 140 khách hàng vay 174 khoản vay để Trương Mỹ Lan sử dụng không đúng mục đích, phương án vay vốn. Các khoản vay có tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 103.733 tỷ đồng. Tiếp đó, từ ngày 09/02/2018 đến 06/12/2020, với vai trò Chủ tịch HĐQT SCB, bị cáo ký 286 biên bản họp, phiếu biểu quyết, ký 261 nghị quyết đồng ý cho 129 khách hàng vay 305 khoản, có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 319.120 tỷ đồng. Ở hành vi tham ô, cơ quan công tố cáo buộc bị cáo Thành giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 189.103 tỷ đồng.

Với bị cáo Chiêm Minh Dũng ở các vai trò: Giám đốc SCB Chi nhánh Sài Gòn, Thành viên Hội đồng kinh doanh và Đầu tư Hội sở, Chủ tịch Hội đồng kinh doanh và Đầu tư trung ương, Thành viên HĐQT, thừa ủy quyền Chủ tịch HĐQT đã ký 75 tờ trình thẩm định cho vay, 143 biên bản họp Hội đồng kinh doanh và đầu tư Hội sở... đồng ý cho 305 khách hàng cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay 362 khoản, có tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 218.249 tỷ đồng.

Nhiều bị cáo trốn truy nã đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hàng trăm nghìn tỷ đồng

Hành vi "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" của bị cáo Dũng gây thiệt hại hơn 140.713 tỷ đồng cho SCB. Đối với bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương, cơ quan công tố cáo buộc, từ ngày 25/7/2012 đến ngày 30/7/2013, với vai trò là Chủ tịch HĐQT SCB, đã ký 4 biên bản họp, phiếu biểu quyết của HĐQT... đồng ý cho 79 khách hàng cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay 79 khoản, có tổng dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 55.814 tỷ đồng. Bà Sương giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan rút tiền, gây thiệt hại cho SCB là hơn 6.989 tỷ đồng.

Cựu lãnh đạo thứ tư - bị cáo Trầm Thích Tồn trong vụ án được xác định giúp sức cho Trương Mỹ Lan rút tiền SCB, gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 7.176 tỷ đồng. Bị cáo cuối cùng đang bỏ trốn là Nguyễn Lâm Anh Vũ được xác định giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan rút tiền của SCB, gây thiệt hại cho ngân hàng này số tiền hơn 3.762 tỷ đồng.

Về việc sai phạm diễn ra suốt 10 năm mà không bị ngăn chặn, cơ quan tố tụng xác định một phần nguyên nhân là do sự tiếp tay bởi các cán bộ thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước. Trong số 18 thành viên đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn bị truy tố về tội nhận hối lộ 5,2 triệu USD; 10 bị can bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 7 người khác không bị xử lý hình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang