Di lý 81 bị cáo vụ án Vạn Thịnh Phát vào TPHCM để chuẩn bị xét xử

Thứ Sáu, 23/02/2024 08:57

|

(CATP) Ngày 22/02, Cơ quan Công an đã di lý toàn bộ 81 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan vào TPHCM để chuẩn bị xét xử. Các bị cáo được di lý từ các trại giam ở Hà Nội vào TPHCM từ ngày 21/02. Công tác di lý được thực hiện nghiêm ngặt bởi sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và Công an TPHCM. Công tác được hoàn tất vào tối cùng ngày.

Tòa triệu tập gần 3.000 người

Trước đó, ngày 05/02, TAND TPHCM đã ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử từ ngày 05/3 đến 29/4. Bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố về các tội: "Tham ô tài sản", "Đưa hối lộ" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". 85 bị cáo còn lại bị truy tố về các tội: "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Có 10 kiểm sát viên của VKSND Tối cao và VKSND TPHCM tham gia phiên tòa theo sự phân công của VKSND Tối cao. Bị cáo Trương Mỹ Lan có 5 luật sư bào chữa. SCB ra tòa với tư cách là bị hại trong vụ án. Ngoài tư cách bị cáo, Trương Mỹ Lan còn hầu tòa với tư cách bị hại đối với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch Tập đoàn Cappella). Bên cạnh 86 bị cáo, gần 200 luật sư, tòa cũng triệu tập hơn 2.400 người có quyền, nghĩa vụ liên quan phục vụ việc xét xử vụ án sai phạm tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Ngày 15/02, TAND TPHCM cũng đã ban hành văn bản thông báo kêu gọi 5 bị cáo đang bị truy nã trong vụ án này ra đầu thú để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước; hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo quyền bào chữa, quyền tự bào chữa theo quy định tại Điều 16, Điều 61 Bộ Luật Hình sự năm 2015. 5 bị cáo gồm: Nguyễn Lâm Anh Vũ (cựu Phó giám đốc Chi nhánh Bến Thành của SCB), Trầm Thích Tồn (cựu thành viên HĐQT SCB), Chiêm Minh Dũng (51 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc SCB), Nguyễn Thị Thu Sương (50 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT SCB), Đinh Văn Thành (53 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT SCB).

Trương Mỹ Lan và cháu ruột Trương Huệ Vân

Lập khống hồ sơ vay, giải ngân hơn 1 triệu tỷ đồng

Theo nội dung vụ án, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã thực hiện một chuỗi hành vi gồm: Tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; thành lập, sử dụng hàng ngàn công ty "ma"; câu kết các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm; thông đồng nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; lập phương án rút tiền, "cắt đứt" dòng tiền sau giải ngân; bán nợ xấu và các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu nhằm che giấu sai phạm; mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.

Nhiều bị cáo trốn truy nã giúp sức cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hàng trăm ngàn tỷ đồng

Đáng chú ý như: Từ ngày 01/01/2012 đến 07/10/2022, Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống hồ sơ vay, giải ngân 2.257 khoản với hơn 1 triệu tỷ đồng. Đến ngày 17/10/2022, còn 1.284 hồ sơ vay, tương đương dư nợ 677.286 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi (nợ gốc 483.971 tỷ đồng, lãi/phí 193.315 tỷ đồng). Nợ gốc của Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc tại SCB.

Từ ngày 01/01/2012 đến 31/12/2017, bị cáo Trương Mỹ Lan vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan hoạt động ngân hàng, gây thiệt hại hơn 64.000 tỷ đồng, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo các khoản vay; từ ngày 01/01/2018 đến 07/10/2022, bị cáo tham ô tài sản hơn 304.000 tỷ đồng nợ gốc và hơn 129.000 tỷ đồng lãi phát sinh từ nợ gốc, sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm là nguyên nhân căn bản, cốt yếu dẫn đến SCB đã hoàn toàn mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.769 tỷ đồng.

Các sai phạm diễn ra suốt 10 năm mà không bị ngăn chặn. Cơ quan tố tụng xác định một phần nguyên nhân là do sự tiếp tay bởi các cán bộ thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước. Trong số đó, đáng chú ý có Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước) bị truy tố về hành vi "Nhận hối lộ" số tiền đặc biệt lớn, lên đến 5,2 triệu USD.

Bình luận (0)

Lên đầu trang