(CATP) Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào ngày 15-9, thiếu tướng Vũ Hồng Văn - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã báo cáo kết quả đấu tranh giai đoạn 1 Chuyên án về đường dây buôn lậu xăng giả do Bộ trưởng Bộ Công an giao Công an tỉnh Đồng Nai chủ trì đấu tranh và được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi chỉ đạo.
Theo đó, qua công tác nắm tình hình địa bàn, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ và nguồn tin báo tố giác tội phạm của quần chúng nhân dân cung cấp, Công an tỉnh Đồng Nai đã phát hiện đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả với quy mô cực lớn. Thủ đoạn của băng nhóm này là thành lập nhiều công ty vận chuyển, công ty mua bán xăng dầu để làm bình phong, thuê các kho chứa dọc theo các tuyến giao thông đường sông và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng để hoạt động buôn lậu.
Các đối tượng mua cả tàu viễn dương có tải trọng lớn từ 3.000 đến 5.000 tấn, giao dịch mua xăng lậu, xăng giả từ nước ngoài rồi vận chuyển về phao số 0. Tại đây, bọn chúng dùng các loại hóa chất, bột màu để pha chế thành xăng giả RON A95 rồi vận chuyển vào tập kết tại ụ nổi giữa lòng sông Hậu (Vĩnh Long). Sau đó các đối tượng tiếp tục bơm xăng lậu, xăng giả qua các tàu thủy đem về các kho chứa dọc theo các tuyến đường sông để cấp cho các xe bồn chở đi tiêu thụ khắp nhiều tỉnh phía Nam.
Thiếu tướng Vũ Hồng Văn – Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai báo cáo tiến độ điều tra chuyên án xăng giả tại hội nghị
Theo giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, trung bình mỗi ngày đường dây này đưa ra thị trường trên một triệu lít xăng giả, xăng kém chất lượng gây thiệt hại về kinh tế đất nước, thất thu ngân sách Nhà nước.
Trong quá trình điều tra, kết quả giám định các mẫu xăng cho thấy đều có chứa thành phần MTBE (là chất kích RON), có hàm lượng trung bình vượt ngưỡng quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam, làm giảm tuổi thọ động cơ và gây ô nhiễm môi trường, chủ yếu là xăng RON A95. Đáng chú ý, ngoài các thủ đoạn tinh vi, phức tạp, các đối tượng đã khống chế, mua chuộc nhiều cá nhân của các lực lượng có chức năng phòng chống tội phạm và phòng chống buôn lậu trên biển tại nhiều vùng, nhiều tỉnh để được bảo kê.
Một số bị can trong chuyên án
Được biết, đây là chuyên án được thành lập sau thời gian tổ chức thu thập chứng cứ, tài liệu của lực lượng trinh sát, sau đó Công an tỉnh Đồng Nai đã báo cáo đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo vào khoảng thời gian cuối năm 2020. Băng nhóm tội phạm này do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TPHCM) và Nguyễn Hữu Tứ (64 tuổi, ngụ Vĩnh Long) cầm đầu.
Công an tỉnh Đồng Nai đã chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ... tổ chức phá án. Đến nay, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố trên 70 bị can với 6 tội danh. Ngoài ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Cục Điều tra hình sự - Bộ Quốc phòng khởi tố 13 bị can liên quan trong Chuyên án thuộc thẩm quyền điều tra của Bộ Quốc phòng. Cơ quan điều tra đã kê biên tài sản của các bị can trong vụ án với giá trị trên 1.000 tỷ đồng. Chuyên án này đang được Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục điều tra mở rộng.