(CAO) Ngày 12-11, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Hữu Lý - Phó giám đốc VH-TT-DL Đồng Tháp để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo nguồn tin của phóng viên, ông Lý bị khởi tố bị can trước khi UBND tỉnh Đồng Tháp có thông báo tạm đình chỉ chức vụ để điều tra liên quan đến sai phạm xảy ra tại công trình tu bổ tu bổ Miếu thờ Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp (H.Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).
Như Báo Công an TPHCM điện tử thông tin, công trình xây dựng tu bổ Miếu thờ Bà Chúa Xứ thuộc Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp (xã Tân Kiều, H.Tháp Mười, Đồng Tháp), được khởi công từ tháng 12-2014, do Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp, thuộc Sở VH,TT-DL Đồng Tháp, làm chủ đầu tư. Công ty TNHH TM-XD mỹ thuật tượng đài Ánh Dương (gọi tắt là Công ty Ánh Dương, trụ sở tại Q.Thủ Đức, TP.HCM) trúng thầu thi công với tổng giá trị hơn 7,3 tỷ đồng.
Theo hợp đồng, công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 11-2015, nhưng đến nay Miếu thờ Bà Chúa Xứ vẫn ngổn ngang. Từ cuối năm 2018, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra toàn diện công trình trên, qua đó phát hiện nhiều sai phạm của chủ đầu tư và đơn vị thi công.
Công trình Miếu thờ Bà Chúa Xứ dở dang bởi chủ đầu tư và nhà thầu có nhiều sai phạm.
Theo báo cáo do ông Nguyễn Hữu Lý - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Đồng Tháp (nguyên Giám đốc Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp - chủ đầu tư công trình) ký gửi Thanh tra tỉnh về tình hình thực hiện công trình tu bổ Miếu thờ Bà Chúa Xứ đã thừa nhận có nhiều hạn chế, sai sót trong quá trình quản lý, đầu tư công trình này.
Dù chưa được Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp thẩm tra lại dự toán phát sinh, nhưng Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp đã tự ý cho nhà thầu tạm ứng trước số tiền tương ứng cho phần phát sinh bằng cách nghiệm thu trước các mục chưa thi công.
Khi cho thanh toán, chủ đầu tư tin rằng giá trị này nhà thầu đã thi công công tác khác đến khi có kết quả thẩm tra xong số tiền này sẽ được quyết toán. Lúc đó chủ đầu tư sẽ thu hồi đủ số tiền đã cho tạm ứng vượt khối lượng, vì số phát sinh lớn hơn gần gấp 2 lần số tiền cho ứng.
Đồng thời để đảm bảo an toàn, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải giao cho chủ đầu tư giữ sổ tiết kiệm của nhà thầu đang gửi tại ngân hàng, tương đương số tiền đã cho tạm ứng để buộc nhà thầu sớm phải thi công cho đúng tiến độ.
Theo đó, tổng số tiền trong ngân hàng mà chủ đầu tư tạm giữ gồm: bảo lãnh hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng và sổ tiết kiệm với số tiền hơn 7,1 tỷ đồng. Từ giữa năm 2015- 2016 thì nhà thầu chểnh mảng công việc, thi công cầm chừng, chủ đầu tư nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở bằng nhiều cách như: điện thoại, gửi công văn, nhiều cuộc họp giữa các bên liên quan, thậm chí là phạt chậm tiến độ hợp đồng.
Mỗi lần như vậy, nhà thầu đều có giấy cam kết khắc phục và sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công. Nhưng thực tế thì làm ngược lại không thực hiện đúng những gì đã cam kết. Cuối cùng buộc phải đi đến chấm dứt hợp đồng. Khi quyết định chấm dứt hợp đồng, chủ đầu tư đến ngân hàng, nơi Công ty Ánh Dương bảo lãnh và gửi tiết kiệm để rút tiền, thu hồi số tiền tạm ứng. Khi đó mới vỡ lẽ ra là giấy bảo lãnh tạm ứng và sổ tiết kiệm đều là giấy giả.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Hoài Dương (52 tuổi, ngụ TPHCM) - Giám đốc Công ty Ánh Dương cũng đã bị khởi tố bắt tạm giam để điều tra các tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bước đầu xác định Dương đã thực hiện hành vi làm giả chứng thư bảo lãnh và sổ tiết kiệm của một ngân hàng nộp cho BQL khu di tích Gò Tháp để tạm ứng và chiếm đoạn ngân sách nhà nước hơn 4 tỷ đồng.