Chủ đầu tư thừa nhận sai sót
Hàng năm, có gần một triệu lượt khách về dự lễ hội Gò Tháp, viếng Bà Chúa Xứ. Do vậy nhằm mục đích phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân địa phương và trong khu vực, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp đã ký kết hợp đồng thực hiện dự án án tu bổ Miếu thờ Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp (H.Tháp Mười, Đồng Tháp). Sau 5 năm thi công, công trình trên vẫn chưa hoàn thành, thay vì kế hoạch ban đầu chưa đến 1 năm.
Công trình xây dựng tu bổ Miếu thờ Bà Chúa Xứ thuộc dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp (xã Tân Kiều, H.Tháp Mười) được khởi công từ tháng 12-2014, do Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp, thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH,TT-DL) Đồng Tháp, làm chủ đầu tư.
Công ty TNHH TM-XD mỹ thuật tượng đài Ánh Dương (gọi tắt là Công ty Ánh Dương, trụ sở tại Q.Thủ Đức, TP.HCM) trúng thầu thi công, với tổng giá trị hơn 7,3 tỷ đồng. Theo hợp đồng, công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 11-2015, nhưng đến nay Miếu thờ Bà Chúa Xứ vẫn ngổn ngang.
Từ cuối năm 2018, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra toàn diện công trình trên, qua đó phát hiện nhiều sai phạm của chủ đầu tư và đơn vị thi công.
Công trình Miếu thờ Bà Chúa Xứ dở dang bởi chủ đầu tư và nhà thầu có nhiều sai phạm.
Theo báo cáo do ông Nguyễn Hữu Lý - Phó giám đốc Sở VH,TT-DL Đồng Tháp (nguyên Giám đốc Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp - chủ đầu tư công trình) ký văn bản gửi Thanh tra tỉnh về tình hình thực hiện công trình tu bổ Miếu thờ Bà Chúa Xứ đã thừa nhận có nhiều hạn chế, sai sót trong quá trình quản lý, đầu tư công trình này.
Trong quá trình thương thảo hợp đồng, nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình nên chủ đầu tư đã đồng ý cho nhà thầu đóng 60 cọc bê-tông cốt thép (mỗi cọc dài 14m) không đạt yêu cầu. Sau đó để khắc phục đã quyết định tăng thêm chiều dài mỗi cọc là 2m.
Việc này đồng nghĩa là nhà thầu phải đúc lại toàn bộ số cọc, gây thiệt hại lớn cho nhà thầu. Vì về nguyên tắc nhà thầu chỉ được quyết toán 2m tăng thêm, còn cọc lỡ đúc và đóng thì phải chịu không được thanh toán. Do có sự sai sót trong thiết kế này, nên các bên liên quan cho kiểm tra toàn bộ số liệu thiết kế đã duyệt.
Kết quả là có rất nhiều phần việc phát sinh ngoài hợp đồng. Cụ thể như: sai số lượng cọc, phải tháo dỡ, vận chuyển 1.400 m2 đan ra khỏi hiện trạng công trình, tháo dỡ nhà bê-tông cốt thép diện tích 100 m2, san lấp mặt bằng tăng khoảng 200m3 do khảo sát chưa đúng hiện trạng, thay đổi thiết kế ngói âm dương, thay đổi chủng loại vật liệu lát nền từ gạch Ceramic thành gạch gốm Hạ Long. Tất cả các phát sinh do thi công sai thiết kế gây thiệt hại khoảng trên 2 tỉ đồng cho đơn vị thi công.
Dù chưa được Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp thẩm tra lại dự toán phát sinh, nhưng Ban Quản lý khu di tích Gò Tháp đã tự ý cho nhà thầu tạm ứng trước số tiền tương ứng cho phần phát sinh bằng cách nghiệm thu trước các mục chưa thi công.
Nhà thầu cung cấp chứng từ giả
Khi cho thanh toán, chủ đầu tư tin rằng giá trị này nhà thầu đã thi công công tác khác đến khi có kết quả thẩm tra xong số tiền này sẽ được quyết toán. Lúc đó chủ đầu tư sẽ thu hồi đủ số tiền đã cho tạm ứng vượt khối lượng, vì số phát sinh lớn hơn gần gấp 2 lần số tiền cho ứng.
Đồng thời để đảm bảo an toàn, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu phải giao cho chủ đầu tư giữ sổ tiết kiệm của nhà thầu đang gửi tại ngân hàng, tương đương số tiền đã cho tạm ứng để buộc nhà thầu sớm phải thi công cho đúng tiến độ.
Theo đó, tổng số tiền trong ngân hàng mà chủ đầu tư tạm giữ gồm: bảo lãnh hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng và sổ tiết kiệm với số tiền hơn 7,1 tỷ đồng. Từ giữa năm 2015- 2016 thì nhà thầu chểnh mảng công việc, thi công cầm chừng, chủ đầu tư nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở bằng nhiều cách như: điện thoại, gửi công văn, nhiều cuộc họp giữa các bên liên quan, thậm chí là phạt chậm tiến độ hợp đồng.
Mỗi lần như vậy, nhà thầu đều có giấy cam kết khắc phục và sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công. Nhưng thực tế thì không như cam kết. Cuối cùng buộc phải đi đến chấm dứt hợp đồng.
Khi quyết định chấm dứt hợp đồng, chủ đầu tư đến ngân hàng, nơi Công ty Ánh Dương bảo lãnh và gửi tiết kiệm để rút tiền, thu hồi số tiền tạm ứng. Khi đó mới vỡ lẽ ra là giấy bảo lãnh tạm ứng và sổ tiết kiệm đều là giấy giả.
Theo tìm hiểu, đến nay Công ty Ánh Dương còn nợ chủ đầu tư số tiền gần 3,7 tỷ đồng. Trong đó, nợ tạm ứng gần 2 tỷ đồng, nợ khối lượng chưa thi công hơn 1,5 tỷ và phạt vi phạm hợp đồng hơn 184 triệu đồng.
Sau khi Thanh tra tỉnh Đồng Tháp có kết luận về các sai phạm trên, vụ việc đã được chuyển cho cơ quan công an tiếp tục làm rõ.
Ông Nguyễn Hữu Lý, Phó giám đốc Sở VH,TT-DL Đồng Tháp nêu trong báo cáo: Trong vấn đề này chủ đầu tư là nạn nhân. Trước đây nhà thầu đã từng thực hiện nhiều công trình cho tỉnh Đồng Tháp, chưa có dấu hiệu gian dối, nên chủ đầu tư chủ quan không xác minh. |
Khu di tích Gò Tháp là di tích quốc gia đặc biệt, nằm trên địa bàn xã Mỹ Hoà và Tân Kiều của H.Tháp Mười. Khu di tích này là niềm tự hào lớn lao đối với người dân Tháp Mười nói riêng và người dân Đồng Tháp nói chung. Vùng đất này xưa kia thuộc Vương quốc Phù Nam, đã tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ. Đỉnh cao là từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau công nguyên, với những di sản quý giá mang tính chỉ dẫn cao về xã hội, tôn giáo và tín ngưỡng. |