Theo đó, nhóm vấn đề đặt ra cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, gồm: Xử lý vướng mắc về kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, đội vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém;
Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện, quản lý xe hợp đồng điện tử; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe cơ giới;
Thực hiện, quản lý, giám sát thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư trên Quốc lộ, đường bộ cao tốc và Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Báo cáo trước QH về lĩnh vực mình phụ trách Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: ngành GTVT đã cố gắng rất nhiều để đáp ứng được yêu cầu về phát triển hạ tầng, quản lý vận tải, để đảm bảo ATGT.
Theo Bộ trưởng, GTVT như mạch máu của nền kinh tế, việc phát triển GTVT cần phải có ngân sách. Mặc dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng hệ thống GTVT Việt Nam còn rất nhiều bất cập. Với nguồn vốn được giao, Bộ GTVT cố gắng tham mưu Chính phủ để thực hiện những dự án trọng điểm một cách tốt nhất, sử dụng vốn có hiệu quả.
Về lĩnh vực ATGT, Bộ trưởng Thể cho biết tình hình TNGT đang từng bước được kiểm soát, tuy nhiên vẫn đang ở mức cao, số vụ, số người chết, bị thương vì TNGT vẫn còn nhiều, đây là trách nhiệm lớn của ngành GTVT. Bộ trưởng Thể mong muốn các cơ quan chức năng và toàn hệ thống chính trị tiếp tục cùng vào cuộc, cố gắng đảm bảo ATGT tốt hơn cho người dân.
Về công tác quản lý vận tải, ông Thể cho rằng trong thời gian gần đây xuất hiện mô hình xe mới đó là xe công nghệ, xe hợp đồng ứng dụng công nghệ mà một số nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý.
Chúng tôi cố gắng trong trách nhiệm của mình, cố gắng đảm bảo hoạt động vận tải được tốt nhất, tuy nhiên còn nhiều vấn đề bất cập, chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến của ĐBQH để quản lý lĩnh vực vận tải được tốt hơn.
Về thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ đang tập trung để hoàn thành đúng tiến độ Chính phủ giao.
Thu phí tự động không dừng sẽ hoàn thành cuối năm 2019
Trả lời ý kiến chất vấn của ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về thu phí không dừng, "Vì sao tới giờ vẫn khó thực hiện, mới triển khai đạt 30% trên toàn quốc?".
Bộ trưởng Thể cho hay, hạn cuối cùng thực hiện thu phí tự động không dừng là 31-12 cho tất cả các trạm thu phí. Bộ Giao thông Vận tải chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên đã thực hiện được 28 trạm, còn 15 trạm đang triển khai.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn tại hội trường
Giai đoạn 2, Bộ Giao thông Vận tải đấu thầu công khai, hiện các đơn vị tham gia đã khảo sát 33 trạm thu phí, theo cam kết thì nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 12-2019.
Sử dụng xe quá khổ, quá tải là "hành vi phá hoại tài sản nhà nước"
Trước phản ánh của đại biểu về xe quá khổ, quá tải làm hư hại đường xá, Bộ trưởng Thể nói "việc này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị". Theo ông, Bộ Giao thông Vận tải có Cục đăng kiểm và các đơn vị chức năng khác để đảm bảo tất cả xe phải đúng kích thước quy định, nhưng thực tế sau khi đăng kiểm, một số chủ xe đã cơi nới thùng nên xe trở thành quá khổ.
"Việc này xảy ra sau đăng kiểm và ở địa phương nên Bộ không kiểm soát được. Chúng tôi đã giao thanh tra Bộ cùng các địa phương tăng cường kiểm tra", ông Thể nói.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, việc sử dụng xe quá khổ, quá tải là hành vi phá hoại tài sản nhà nước, vì những xe này ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu mặt đường, hạ tầng giao thông.
Tăng độ khó của đề thi GPLX
ĐB Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) đặt câu hỏi: Hiện nay, nhiều con đường bị xe quá tải phá hoại. Trách nhiệm của Bộ trưởng về tình trạng này? Giải pháp nào khả thi nhất? Việc đào tạo sát hạch cấp đổi GPLX còn hạn chế, thậm chí có tiêu cực là do đâu? Bộ trưởng chỉ đạo như thế nào để khắc phục tình trạng trên?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, việc xử lý xe quá khổ quá tải là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Ở Bộ GTVT, chúng tôi có Trung tâm đăng kiểm, Cục Đăng kiểm. Khi đăng kiểm, tất cả các xe đều phải đảm bảo đúng quy trình, đúng kết cấu trong hồ sơ. Tuy nhiên, trong thực tiễn, sau khi đăng ký, đăng kiểm, một số chủ phương tiện cơi nới để chở quá tải. Việc này xảy ra sau khi đăng ký đăng kiểm và xảy ra ở địa phương.
Với trách nhiệm của Bộ, chúng tôi đã chỉ đạo thanh tra giao thông các cấp cùng với chính quyền địa phương tăng cường xử lý nghiêm xe quá khổ, quá tải. Đây là hành vi vi phạm pháp luật của các chủ phương tiện.
Tuy nhiên, tình trạng quá khổ quá tải còn diễn ra một số địa phương, tập trung chủ yếu ở tuyến đường nông thôn, tỉnh huyện. Các xe này không dám đi trên đường quốc lộ vì ở đây có nhiều lực lượng tuần tra kiểm soát hơn.
Chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, cùng với công an các cấp, tăng cường kiểm tra giám sát. Đây là hành vi phá hoại tài sản của nhà nước. Xe quá khổ quá tải sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng kết cấu mặt đường.
Các đại biểu tại hội trường trong phiên chất vấn
Về đào tạo sát hạch cấp GPLX, chúng tôi thấy rằng đây là nguyên nhân có thể dẫn đến TNGT, do đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm, Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra, kiểm tra các trung tâm đào tạo, sát hạch cấp GPLX. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, nhân dân, điều chỉnh và tham mưu Chính phủ, cuối 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 138 thay thế một số nội dung của Nghị định 65 về các cơ sở đào tạo.
"Hiện chúng tôi đang dự thảo điều chỉnh Nghị định 46 về xử phạt vi phạm hành chính cũng như Nghị định 86, chúng tôi đã lồng ghép nội dung như tăng cường giám sát giờ học của các học viên, tăng cường giám sát thời gian tập trên đường, tăng độ khó của các đề thi, đưa ra một số tình huống khó. Chúng tôi sẽ cố gắng cải tiến hơn nữa công tác đào tạo cấp GPLX, để mỗi lái xe khi nhận bằng có thể hoạt động tốt nhất", Bộ trưởng Thể nói.
Nhiều dự án đường sắt đô thị đội vốn
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) chất vấn "Trách nhiệm của các cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng dự án giao thông chậm tiến độ, đội vốn hàng nghìn tỷ đồng?".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, mỗi dự án đều có chủ đầu tư, vừa qua Thanh tra Bộ đã thanh tra tất cả dự án được phản ánh về chất lượng, các cơ quan chức năng khác cũng vào cuộc.
Việc dự án chậm tiến độ có nguyên nhân khách quan như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn không kịp thời; còn trách nhiệm chủ quan thuộc về chủ đầu tư, ban quản lý dự án và đều được xử lý nghiêm, kể cả chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.
Các ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn tại hội trường
Nhiều công trình đội vốn rơi vào dự án đường sắt đô thị do đây là công nghệ mới, được phê duyệt trước năm 2008; trong khi thời điểm này diễn ra khủng hoảng nghiêm trọng, năm 2009 trượt giá gần 20%, từ 2009 đến 2013 trượt giá 49%...
Trước sự quan tâm của dư luận, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc kiểm tra tất cả dự án đội vốn; cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật…
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, câu trả lời của Bộ trưởng Thể "còn tránh né". Theo ông, ngoài 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn lớn, thì đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đã 6 lần điều chỉnh, tăng vốn đầu tư lên hơn 3.950 tỷ; dự án hệ thống thuỷ lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận) tăng hơn 2.680 tỷ đồng; dự án tỉnh lộ Lộ Tẻ - Rạch Sỏi tăng 147 tỷ đồng...
"Rất nhiều dự án chứ không riêng dự án đường sắt đô thị mới độ vốn và các dự án này được nêu rất rõ trong báo cáo Kiểm toán Nhà nước. Bộ trưởng nên kiểm tra lại", ông nói và đề nghị, phải truy trách nhiệm tới cùng cá nhân để xảy ra thất thoát, xử lý nghiêm để răn đe.
Cung cấp thêm thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong số 3 dự án ông Cầu vừa nêu thì có 2 dự án do địa phương quản lý. Nhìn chung các dự án đường sắt đô thị vượt tổng mức đầu tư số lượng lớn, còn dự án "vượt mức đầu tư vài chục tỷ, vài trăm tỷ thì được nêu trong báo cáo Kiểm toán".
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Cầu, song Bộ trưởng Thể nhấn mạnh, căn cứ vào kết quả Kiểm toán Nhà nước, các địa phương, Bộ, ngành, chủ đầu tư dự án rà soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân "do chủ quan mà vi phạm".
Cố gắng đưa đường sắt Cát Linh- Hà Đông vào hoạt động sớm
Trả lời chất vấn về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho rằng, quá trình triển khai dự án, tổng thầu xây dựng đường sắt tốt, nhưng vận hành đường sắt thì thiếu kinh nghiệm, vì thi công và vận hành tàu đường sắt đô thị là hai việc khác nhau. Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với các đơn vị liên quan của Trung Quốc nhiều lần để cải thiện tình hình, cố gắng đưa dự án sớm đi vào vận hành.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời nhiều vấn đề nóng của đại biểu
Hiện dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, còn 1% là một số hạng mục nhỏ và tổng thầu đang triển khai công tác chứng minh an toàn hệ thống. Người đứng đầu ngành giao thông khẳng định đang cùng tổng thầu, đơn vị liên quan cố gắng kết thúc 1% phần việc còn lại của dự án, trong đó có việc chứng nhận tất cả thiết bị đảm bảo an toàn hệ thống; khi đó mới có thể vận hành thương mại tuyến đường sắt này.
Mong QH ủng hộ chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam
Trả lời câu hỏi của ĐB về năng lực vận tải đường sắt, Bộ trưởng Thể cho biết hiện đường sắt Bắc-Nam mỗi ngày chỉ vận chuyển 22 đôi tàu vì ta chỉ có 1 đường ray. Theo đó tàu phải tránh nhau ở ga, do đó bị hạn chế. Hiện đường sắt đảm bảo 2% lượng khách Bắc - Nam. Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Chính phủ đang giao thẩm định. Mong ĐBQH ủng hộ chủ trương để thực hiện dự án này.