(CAO) Trước phiên trả lời chất vấn hôm nay (5-6), Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã có báo cáo giải trình về việc những bất cập tại các dự án BOT. Đây cũng là một trong những nhóm vấn đề dành cho ông Thể khi lên “ghế nóng”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, sau khi tích cực làm việc với các bộ, ngành, địa phương, các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan để xử lý các bất cập tại các trạm thu phí, đến thời điểm này các bất cập tại các trạm thu phí đã cơ bản được giải quyết.
Giữ nguyên trạm thu phí BOT Cai Lậy ở vị trí hiện tại và sẽ tổ chức miễn giảm phí, phân luồng phương tiện
Cụ thể, dừng thu phí tại 2 trạm Đèo Ngang và tránh Hà Tĩnh do hết thời gian Hợp đồng; không thành lập trạm Nam Hải Vân, sử dụng trạm Bắc Hải Vân để cùng hoàn vốn cho 2 dự án; chuyển trạm Tân Đệ về tuyến tránh Đông Hưng. Đối với những trạm đang phải giải quyết như trạm BOT Cai Lậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thông tin chi tiết việc xử lý.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sau khi thanh tra, kiểm toán có kết luận, các bất cập được xử lý, thực hiện miễn giảm giá cho người dân khu vực lân cận trạm BOT Cai Lậy, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng đồng ý tiếp tục thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại vị trí hiện hữu. Hiện Bộ đang phối hợp với địa phương, Bộ Công an để triển khai tổ chức thu vào thời điểm phù hợp.
Mức thu, Bộ trưởng Thể thông tin, sẽ giảm tối đa cho tất cả các phương tiện qua trạm (xe nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, tương ứng là 57%...). Phạm vi miễn, giảm giá vùng lân cận được mở rộng bán kính lên khoảng 10 km.
Vẫn giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, Bộ GTVT sẽ tổ chức thu phí dịch vụ với công nghệ thu tự động không dừng, trong đó có tổ chức thu hỗn hợp để phù hợp với lộ trình dán thẻ của các phương tiện giao thông.
Về việc tổ chức giao thông, Bộ chủ trương phân luồng các phương tiện xe tải, xe khách không đi vào trung tâm thị xã Cai Lậy. Riêng các xe có nhu cầu giao dịch trong trung tâm thị xã Cai Lậy sẽ do Sở GTVT Tiền Giang cấp phép.
“Việc phân luồng sẽ triển khai vào thời điểm thích hợp căn cứ điều kiện giao thông thực tế và đề xuất của địa phương” - Bộ trưởng Thể cho biết.
Cũng theo người đứng đầu ngành giao thông, Bộ GTVT đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu các phương án và phối hợp với địa phương, các bộ, ngành để báo cáo về phương án xử lý bất cập tại trạm Cai Lậy.
“Các cơ quan, đơn vị đã triển khai cơ bản đầy đủ các công việc cần thiết để triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trở lại tại trạm Cai Lậy” - ông Thể nói. Tuy nhiên, lo lắng về việc đảm bảo an ninh trật tự khi thu phí trở lại, ông Thể nhận định, thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào hỗ trợ của lực lượng công an các địa phương trong khu vực và Bộ Công an.
Giải trình về Trạm BOT T2 (Km50+050) Quốc lộ 91, ông Thể chia sẻ, sau khi cầu Vàm Cống hoàn thành đã hình thành một luồng phương tiện lưu thông từ Đồng Tháp - An Giang qua trạm thu phí T2 với cự ly ngắn. Việc này khiến dân có phản ứng, đồng thời kiến nghị Bộ GTVT có biện pháp di dời trạm.
Hiện nhà đầu tư đã dừng thu phí tại trạm T2. Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhà đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan của địa phương đề xuất, tính toán tác động đối với các phương án, đảm bảo quyền và nghĩa vụ các bên, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng, nhà đầu tư, ngân hàng cho vay vốn và các điều kiện về nguồn lực.
Với Trạm Thái Nguyên - Chợ Mới, Bộ trưởng Thể cho biết, hiện Bộ GTVT đã thống nhất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên về phương án miễn giảm giá cho người dân khu vực lân cận, đang hoàn thiện thủ tục để thu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Còn 2 trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài và Bỉm Sơm - Thanh Hóa thì đang nghiên cứu phương án phù hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Giải thích thêm, Bộ trưởng Thể nói rằng, 2 trạm này có “vị trí nằm ngoài phạm vi dự án do lịch sử để lại”. Mặc dù Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư triển khai tất cả các biện pháp xử lý, khắc phục bất cập nhưng do kinh phí hạn hẹp nên đến nay chưa thể xử lý dứt điểm.
(CAO) Chiều 25-2, Bộ Giao thông vận tải phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang, chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy tổ chức họp báo. Tại cuộc họp, chủ đầu tư dự án cho biết thiệt hại trên 130 tỷ đồng sau hơn 1 năm dừng thu phí.