Phát ngôn của Thủ tướng Lý Hiển Long trái với sự thật lịch sử

Thứ Ba, 04/06/2019 22:53  | Anh Duy

|

​(CAO) Trong dòng status đăng trên Facebook cá nhân hôm 31-5, thủ tướng Singapore – Lý Hiển Long đã đưa ra những nhận định hoàn toàn trái với sự thật lịch sử về giai đoạn quân tình nguyện Việt Nam sang Campuchia giúp nước bạn lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ tàn bạo.

Viết trên Facebook, ông Long gửi đến thủ tướng Thái Lan - Prayut Chan-o-Cha lời chia buồn sâu sắc sau khi hay tin cựu thủ tướng Thái Lan – tướng Prem Tinsulanonda qua đời.

Tuy nhiên sau đó, ông Long lại đưa ra những bình luận hoàn toàn không đúng, đi ngược lại sự thật lịch sử, xúc phạm đến sự hy sinh của các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam: “Sự lãnh đạo của ông ấy (cựu thủ tướng Thái Lan vừa mất - PV) cũng đem lại lợi ích cho khu vực. Thời điểm ông ấy làm thủ tướng trùng với thời điểm các nước thành viên ASEAN cùng nhau chống lại sự xâm lược của Việt Nam vào Campuchia và chính phủ Campuchia sau đó đã thay thế chế độ Khmer Đỏ.

Thái Lan lúc đó ở chiến tuyến, đối mặt với quân đội Việt Nam tràn qua biên giới giữa họ và Campuchia.

Tướng Prem khi đó đã kiên quyết không chấp nhận hành động này, và đã làm việc với các đối tác ASEAN để phản đối sự chiếm đóng của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Điều này ngăn cản một cuộc xâm lược quân sự và thay đổi chế độ không bị hợp pháp hóa. Nó bảo vệ an ninh của các quốc gia Đông Nam Á khác, và quyết định tình hình tiến trình của khu vực”.

Phát ngôn thiếu thận trọng, đi ngược sự thật lịch sử của ông Long trên Facebook - Ảnh: Facebook Lý Hiển Long

Đi ngược sự thật lịch sử

Phnom Penh Post dẫn lời Diep Sophal – nhà sử học Campuchia chỉ trích ông Lý Hiển Long:​

“Khi bạn không học được gì từ lịch sử, bạn sẽ rất thiếu văn minh trong xã hội hiện đại”.​

 

Phát ngôn của thủ tướng Long không hề đếm xỉa đến tiến trình lịch sử diễn ra khi đó.

Sáng 16-11-2018, New York Times đưa tin toà án quốc tế do Liên Hiệp Quốc lập ra để xét xử Khmer Đỏ lần đầu tiên mới tuyên bản án thừa nhận Khmer Đỏ là chế độ diệt chủng, phạm tội ác chống lại nhân loại.

Đồng thời 2 cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ là Nuon Chea, 92 tuổi và Khieu Samphan, 87 tuổi trong phiên toà đã thừa nhận phạm tội ác diệt chủng chống lại nhân loại.

Đây là một sự thừa nhận muộn màng, phải mất đến hơn 4 thập kỷ sau khi Khmer Đỏ bị lật đổ, trong phiên toà được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn để xét xử các cựu quan chức của chế độ diệt chủng này, tiêu tốn 300 triệu USD cho đến nay, bản án thừa nhận tội ác mới được tuyên.

Toà án quốc tế xét xử Khmer Đỏ ngoài việc thừa nhận chế độ này diệt chủng, còn cho biết 2 thành viên cộm cán đi theo Polpot là Nuon Chea 92 tuổi và Khieu Samphan 87 tuổi đã nhận thức được các hành động diệt chủng của mình. Phán quyết liệt kê các hành vi diệt chủng gồm: giết người, thủ tiêu, nô lệ hoá, giam cầm, tra tấn, đàn áp các tiếng nói chính trị và các hành vi vô nhân đạo khác.

Như vậy ông Long đã đi ngược lại phán quyết được cộng đồng quốc tế đồng thuận, thể hiện tính chính nghĩa của quân tình nguyện Việt Nam.

Người dân Việt Nam bị quân Khmer Đỏ tràn sang giết hại dã man tại thị trấn Ba Chúc (An Giang) tháng 4-1978 - Ảnh tư liệu tại nhà mồ Ba Chúc. Những vụ giết hại dân thường thế này khiến Việt Nam từ mong muốn đàm phán, phải đưa quân sang Campuchia (với sự kêu gọi của những người yêu nước Campuchia) để giúp nước bạn lật đổ chế độ tàn bạo. Ông Long nói Việt Nam "xâm lược", vậy lúc đó khi quân diệt chủng đang thảm sát hàng triệu người Campuchia và dân thường dọc biên giới Việt Nam, liệu ông có biết? 

Nhắc lại giai đoạn 4-1975, ngay sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, Khmer Đỏ do Polpot cầm đầu lên nắm quyền tại Campuchia đã thực thi chế độ diệt chủng tàn bạo. Chúng xây dựng một mô hình xã hội không tưởng, đưa trí thức, người dân thành thị Campuchia về các vùng nông thôn để lao động khổ sai vì cho rằng các đô thị là nơi ngốn tài nguyên do nông dân lao động ở miền quê đưa đến.

Sử dụng các biện pháp tàn bạo để tra tấn, giết hại người dân của chính mình, Khmer Đỏ đã tạo nên chế độ diệt chủng man rợ nhất thế kỷ XX.

Chưa hết, Polpot còn tuyên bố sử dụng người Campuchia để tiêu diệt người dân Việt Nam. Chúng tiến hành khiêu khích và tấn công du kích tại khắp đường biên với Việt Nam, tràn qua biên giới tạo ra những vụ thảm sát kinh hoàng như ở thị trấn Ba Chúc (An Giang), Tân Lập (Tây Ninh), Thổ Chu (Kiên Giang). Chứng tích vẫn còn lưu rất rõ.

Việt Nam lúc đầu chủ trương đàm phán với Khmer Đỏ để giải quyết mâu thuẫn trong hoà bình nhưng Polpot ngày càng lấn tới, thảm sát dân thường Việt Nam, đe doạ an ninh biên giới. Những người yêu nước Campuchia đã mời quân tình nguyện Việt Nam sang hợp lực để đánh đổ chế độ diệt chủng bạo tàn này.

Cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ - Khieu Samphan, 87 tuổi tại phiên toà ở Toà án Khmer Đỏ, ngoại ô Phnom Penh ngày 16-11-2018 - Toà án do LHQ hậu thuẫn đã phán quyết Khmer Đỏ là chế độ diệt chủng - Ảnh: Reuters

Quan chức Campuchia phản đối phát ngôn của ông Lý Hiển Long

Sau khi giúp bạn tiêu diệt bè lũ Polpot, Việt Nam đã tiến hành rút quân dần dần về nước khi chính quyền Phnom Penh dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Hun Sen đã đủ mạnh để trụ vững trước tàn quân Khmer Đỏ. Cuộc tổng tuyển cử sau đó diễn ra dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, Campuchia lập nên chính quyền hợp pháp trong khi Việt Nam thực hiện xong nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Một chế độ diệt chủng tàn bạo như vậy nhưng ông Long lại “dung túng”, nói ngược là Việt Nam xâm lược?

Cũng cần phải nhắc: Khi bị quân tình nguyện Việt Nam và dân quân địa phương Campuchia đánh bại, tàn quân Khmer Đỏ tháo chạy khỏi Phnom Penh và các thành phố lớn khác lui về khu vực biên giới Thái Lan - Campuchia. Nhóm tàn quân này liên tục củng cố lực lượng để tiến hành kiểu chiến tranh du kích phá hoại nền hoà bình đang vừa được tái lập mong manh. 

Phát ngôn bất cẩn của ông Lý Hiển Long bị chính cả lãnh đạo Campuchia phản đối, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và nghị sĩ Hun Many.

Hôm 4-6, trả lời phỏng vấn báo chí ông Hun Many - con trai của Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết ông "vô cùng bất ngờ" trước những lời bình luận trên của ông Long.

Phnom Penh Post dẫn lời nghị sĩ Hun Many chỉ trích: “Thế giới không nên quên những gì người Campuchia đã phải chịu đựng. Gần ba triệu nạn nhân vô tội đã chết dưới tay Khmer Đỏ trong ba năm, tám tháng và 20 ngày, vì thế giới nhắm mắt làm ngơ trước thực trạng của Campuchia.

Nghị sĩ Hun Many nói ông "rất bất ngờ" trước phát ngôn của ông Lý Hiển Long - Ảnh: Phnom Penh Post

Trong khi mọi người đang chơi trò chơi chính trị thì người Campuchia khi đó cầu nguyện để được ai đó giúp đỡ. Chúng tôi muốn được cứu khỏi chế độ Khmer Đỏ diệt chủng, và điều đó không quan trọng là từ ai và sự giúp đỡ đó đến từ đâu. Sự giúp đỡ đó cuối cùng đến từ CPP (Đảng Nhân dân Campuchia) với sự hỗ trợ của nước láng giềng Việt Nam của chúng tôi”.

Trong khi đó vào tối 3-6, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia - Tea Banh cho biết đã chuyển phản đối của mình đến Bộ trưởng quốc phòng Singapore - Ng Eng Hen.

Phnom Penh Post cũng dẫn lời Diep Sophal – nhà sử học Campuchia chỉ trích ông Long: “Khi bạn không học được gì từ lịch sử, bạn sẽ rất thiếu văn minh trong xã hội hiện đại”.

Những cánh đồng chết với xương cốt những nạn nhân chết dưới tay Khmer Đỏ ở Campuchia - Ảnh: dw.com

Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh nhấn mạnh: “Các nhận xét của ông Long không đúng sự thật và coi thường lịch sử. Nó chắc chắn không thể là sự thật khi ông ấy nói Việt Nam đã xâm lược Campuchia. Chúng tôi muốn thủ tướng Singapore phải sớm cải chính về lời nói của mình”.

Ông Banh chỉ trích: “Campuchia không thể chấp nhận những gì ông Lý Hiển Long phát ngôn. Chúng tôi đã liên tục nhắc nhớ và làm rõ rằng quân đội Việt Nam đến để giải phóng nhân dân. Họ đến để cứu mạng người dân của đất nước này. Điều đó có ý nghĩa vô cùng lớn với Campuchia”.

Bình luận của Việt Nam về phát biểu của Thủ tướng Singapore
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang