Tội phạm "gác kiếm" làm kinh tế nhưng bản chất vẫn lợi dụng để phạm pháp

Thứ Ba, 04/06/2019 11:08

|

(CAO) "Nhiều trường hợp tội phạm hình sự "gác kiếm" để lo làm ăn kinh tế, nhưng bản chất vẫn lợi dụng hoạt động kinh tế để phạm tội" - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin khi trả lời chất vấn sáng nay (4-6). 

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt vấn đề thời gian qua, số lượng đối tượng vi phạm pháp luật là người có chức, có quyền, có tiền ngày càng tăng.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của các đại biểu sáng nay, 4-6

Có vụ việc phát hiện, khởi tố không kịp thời dẫn đến trường hợp đối tượng bỏ trốn phải truy nã, gây bất bình trong dư luận. “Cử tri lo ngại tính nghiêm minh của pháp luật. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?” – đại biểu Nguyễn Tạo nêu câu hỏi.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng một số đối tượng bỏ trốn phải truy nã cũng có vấn đề liên quan quy định của pháp luật. Trước đây quy định có các hình thức bắt quả tang, bắt giữ khẩn cấp, bắt theo lệnh... Tuy nhiên, để phòng ngừa việc bắt nhầm, oan sai nên quy định pháp luật được sửa đổi, không cho phép công an sử dụng một số biện pháp như trước đây.

Cụ thể, hiện nay không còn quy định bắt trong trường hợp khẩn cấp nếu chưa chứng minh được hành vi phạm tội, chưa khởi tố, do đó vừa qua có sơ hở cho đối tượng lợi dụng bỏ tốn.

“Yêu cầu là không để lọt tội phạm nhưng cũng không để xảy ra oan, sai. Đối tượng trước khi gây án đều chuẩn bị để chạy tội, trốn tội nên đối phó tinh vi. Chúng tôi sẽ tổng kết để có giải pháp về pháp luật và nghiệp vụ nhằm giải quyết vấn đề này” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về hoạt động của các băng nhóm, trong đó có sự bao che của một số cán bộ công an thoái hoá biến chất, người đứng đầu ngành công an thông tin, tội phạm không từ thủ đoạn nào để tấn công, vô hiệu hoá lực lượng công an, từ làm quen, dụ dỗ mua chuộc, không được thì tấn công đe doạ, bôi nhọ, vu khống, không chỉ chiến sĩ công an mà còn gia đình, người thân của họ.

Về tình hình tội phạm có yếu tố xã hội đen, Bộ trưởng Công an cho biết có tình trạng tội phạm hình sự "gác kiếm" để lo làm ăn, nhưng bản chất vẫn lợi dụng hoạt động kinh tế để phạm tội.

"Tình trang này diễn biến phức tạp, thể hiện ở tội phạm tín dụng đen, khai thác cát sỏi trái phép... Những ông chủ của các công ty, tổ chức kinh tế liên quan đến vi phạm này là đối tượng hình sự, sử dụng đàn em xăm trổ làm công cụ trong hoạt động, phục vụ lợi ích của mình.

Chúng lôi kéo, mua chuộc, khống chế, đe doạ vũ lực, vu khống, xuyên tạc các cơ quan chức năng, lực lượng trấn áp tội phạm. Đây được xác định là tội phạm rất nguy hiểm. Chúng không từ thủ đoạn nào để mua chuộc lực lượng chức năng" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và thừa nhận, quá trình đó, có CBCS không chịu được đã mất phẩm chất, có quan hệ, thậm chí làm ngơ cho tội phạm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn manhh quan điểm là kiên quyết loại bỏ những cán bộ như vậy, đồng thời phải bảo vệ cán bộ bị vu khống xuyên tạc.

"Vừa qua, các cán bộ công an vi phạm đã bị xử lý nghiêm, từ hành chính đến hình sự, không có vùng cấm, bất kể cấp nào. Chúng tôi kiên quyết chống bảo kê để khôi phục lòng tin đối với ngành Công an" - người đứng đầu ngành Công an nêu quan điểm.

Trước đó, đại biểu Lê Thanh Vân - Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách có nêu câu hỏi vì sao số lượng tướng lĩnh vi phạm đến mức phải xử lý vừa qua nhiều. Ai là người chịu trách nhiệm về quá trình đề bạt, bổ nhiệm?

Về câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết các tướng công an vi phạm đều đã bị xử lý, không có vùng trống nào. Còn trách nhiệm đề bạt, bổ nhiệm, theo bà Ngân, để bổ nhiệm tướng phải được thực hiện theo quy trình mà Quốc hội đã quy định.

"Khi người ta tốt thì bổ nhiệm, có vi phạm phải xử lý, đây là điều rất bình thường. Bất kỳ ai vi phạm pháp luật cũng bị xử lý" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang