Quốc hội giám sát cần đến hiện trường thay vì nghe báo cáo

Thứ Hai, 03/06/2019 09:24

|

(CAO) Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu ý kiến như vậy về chương trình giám sát của Quốc hội.

Tại phiên họp sáng nay (3-6), Quốc hội nghe tờ trình và thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.

Đại biểu Lê Thanh Vân nêu ý kiến thảo luận

Trình bày về số lượng chuyên đề giám sát năm sau, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, năm 2020 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, cũng là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14.

Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.

Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để tập trung cho các nội dung nêu trên và bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội giám sát 1 chuyên đề tại kỳ họp thứ 9.

Lý do trên chưa nhận được sự đồng tình cao tại phần thảo luận. Đại biểu  Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) không đồng ý bớt đi một chuyên đề vì thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề. "Nếu Quốc hội nhiệm kỳ này không tiến hành giám sát thì sẽ dồn trách nhiệm cho Quốc hội khoá mới" - ông Xuân nói.

Chung quan điểm,  đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng vẫn nên giữ hai chuyên đề giám sát tối cao như các năm trước, bởi kết quả giám sát còn là cơ sở cho hoạch định chính sách cho nhiệm kỳ tới. Theo ông Hồng, các nhiệm kỳ trước vẫn thực hiện như vậy và thực tiễn làm được, "còn đặt vấn đề do Đại hội Đảng thì không ổn lắm".

Liên quan đến phương thức hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng gần đây Quốc hội đã chọn đúng chủ đề tiến hành giám sát tối cao trong và giữa 2 kỳ họp, đáp ứng nhu cầu nhân dân đòi hỏi.

"Phương pháp dù đã được cải tiến nhưng vẫn còn bất cập, việc xâm nhập hiện trường, xâm nhập đối tượng chịu tác động của chính sách pháp luật  còn hạn chế. Chúng ta về cơ bản vẫn lắng nghe báo cáo của cơ quan chịu giám sát thay vì đi hiện trường kiểm tra trên thực tiễn để so sánh báo cáo với thực tiễn thế nào, độ vênh ra sao, tâm lý nguyện vọng của đối tượng tác động thế nào" - ông Vân nói.

Cho rằng giám sát là cách thức để Quốc hội kiểm tra tính đúng đắn của quy định của pháp luật do Quốc hội ban hành, đại biểu Lê Thanh Vân yêu cầu cần xem xét rất kỹ lưỡng việc này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang