Chính thức công bố Nghị quyết về tội rửa tiền

Thứ Sáu, 31/05/2019 15:53

|

(CAO) Sáng 31/5/2019, Tòa án nhân dân Tối cao và Ngân hàng Nhà nước phối hợp tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền.

Ở Việt Nam, rửa tiền là loại tội phạm khá mới, nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, loại tội phạm này đang có những diễn biến phức tạp và tác động xấu đến nền kinh tế, đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tội rửa tiền lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt của người dân để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, ô tô, vàng bạc, đá quý,…sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp pháp hóa nguồn tiền "bẩn" thu được từ các hoạt động tội phạm.

Các đại biểu tại lễ công bố Nghị quyết

Ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung và cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.

Tuy nhiên thực tiễn thi hành hơn một năm qua cho thấy vẫn còn một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, vẫn phải hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Do đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao mới đây đã ban hành Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7/7/2019.

Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, Nghị quyết nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác phòng chống rửa tiền, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, bảo đảm minh bạch tài sản, thu nhập, đồng thời thực hiện nghiêm cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong công tác về chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tại buổi công bố Nghị quyết

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cũng cho biết, trước đây tất cả quy định chủ yếu tập trung cho tội phạm nguồn như tham nhũng, tham ô, buôn bán ma túy,... nhưng cuộc đấu tranh như vậy không triệt để. Tất cả các tội phạm nói trên mục tiêu xét cho cùng vẫn là vì lợi nhuận. Và sau khi hoàn tất hành vi phạm tội ban đầu, tài sản sau đó muốn dùng thì phải xóa đi dấu vết nên phát sinh ra thủ đoạn tẩy rửa.

“Nếu đã vi phạm tội phạm nguồn thì hành vi đó sẽ bị truy tố về tội đó, và sau đó lại bằng các thủ đoạn khác thực hiện rửa tiền thì sẽ phán quyết lần nữa về tội rửa tiền”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh và cho hay, Bộ luật Hình sự chỉ có giá trị trong lãnh thổ Việt Nam, tuy nhiên Nghị quyết này sẽ cho phép truy tố tội phạm nguồn ngoài Việt Nam, chẳng hạn như buôn ma túy ở nước ngoài nhưng rửa tiền ở Việt Nam. Ngoài ra, cũng không loại trừ việc truy tố tội phạm nguồn ngoài tội rửa tiền, khi điều tra về tội phạm nguồn thì sẽ tiếp tục điều tra về hành vi rửa tiền.

Tại buổi công bố, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, với sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đang phối hợp các bộ ngành, cơ quan liên quan để chuẩn bị tốt cho đợt đánh giá đa phương của nhóm Châu Á Thái Bình Dương về chống rửa tiền. Khuôn khổ pháp lý để điều tra, truy tố, xét xử về tội rửa tiền đóng vai trò quan trọng để chứng minh về tính hiệu quả cơ chế phòng chống rửa tiền của Việt Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang