“Sáng nay Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ đã họp về việc này, tôi đang chờ thông tin. Việc xử lý giám đốc Sở GD-ĐT Hoàng Tiến Đức và Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thuỷ cũng đang được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương làm” – ông Quỳnh cho biết.
Kỷ luật là để cứu vớt cán bộ
Phóng viên: Có thông tin ông Hoàng Tiến Đức đã có đơn xin nghỉ hưu, thưa ông?
Ông Nguyễn Đắc Quỳnh: Đơn đó tôi chưa nhận được.
Tôi biết là ông Đức sẽ nghỉ theo chế độ từ 1-7. Chúng tôi đã xử lý việc này rất quyết liệt, điều đó cần được ủng hộ. Sơn La là nơi đầu tiên đưa vụ việc tiêu cực thi cử ra truy tố, xét xử, có kết luận điều tra đầu tiên. Vụ án này được Ban Thường vụ chỉ đạo, theo dõi xử lý hàng tuần. Chúng tôi yêu cầu các cơ quan phải báo cáo tiến độ hàng tuần.
Ông Nguyễn Đắc Quỳnh chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội
Chúng ta không nên có những thông tin mang tính nặng nề quá, phải để cho các cơ quan chức năng làm, để làm trong sạch đội ngũ của mình, làm cho đảng viên phải gương mẫu.
Trong quá trình giao xử lý vụ này tôi đã nói với nhiều cán bộ rằng “đây là tôi đang cứu vớt các đồng chí, hãy tự giác đi, hãy tự nhận đi, sau này sẽ có hình thức giảm nhẹ. Còn nếu ai mà không nhận thì sau này sẽ chịu xử lý rất cao, có tăng nặng” chứ chúng tôi không bao che.
Về ông Phạm Văn Thuỷ - Phó chủ tịch UBND tỉnh thì chúng tôi đã thay rồi. Việc này lúc đầu anh em có bảo là anh Thuỷ cũng chưa rõ ràng, hơn nữa là anh ấy cũng đã làm quen rồi. Ở tỉnh thì anh Thuỷ là Phó Chủ tịch phụ trách văn xã, còn các phó chủ tịch khác rất bận.
Tuy nhiên, khi có dư luận phản ứng thì chúng tôi cũng đã cho thay ngay, và hiện nay thì đã thay người khác rồi, ông Lê Hồng Minh – Phó chủ tịch mới sẽ làm trưởng ban thi năm nay.
- Còn thông tin cho rằng mỗi suất nâng điểm có giá từ 800 triệu đến hàng tỉ đồng thì sao, thưa ông?
Tôi không bình luận về thông tin này. Khi phát ngôn thì cơ quan nào phụ trách nội dung thì cơ quan đó phải phát ngôn. Tám cán bộ có liên quan thì đã chuyển hồ sơ qua Viện Kiểm sát rồi, hãy để cơ quan này phát ngôn.
Tôi cũng chỉ nghe đồng chí Phó viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh nói rằng thông tin này mới là một phía, chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên chúng tôi đã yêu cầu phải tìm bằng được. Chứng minh nếu không có việc này, nhưng có chuyện lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm lợi, trục lợi cũng phải xử lý, dù không có tiền. Nếu có tiền thì dứt khoát phải xử lý theo tội nhận hối lộ.
Tôi là thầy giáo. Thật sự là tôi rất buồn về sự việc như vừa qua. Khi tôi tiếp xúc cử tri thì bà con có hỏi rằng “tiêu cực như vừa qua có phải chỉ 3 tỉnh trong đó có mình không bác ơi? Nếu mà ba tỉnh mình thì xấu hổ lắm đấy!”. Tôi không dám trả lời. Tôi xin dành việc này cho các cơ quan báo chí trả lời.
Tinh thần của tỉnh là sẽ xử lý nghiêm minh, chúng tôi cũng đã khai trừ đảng 8 đồng chí rồi. Chỉ cần khi công an chuyển hồ sơ đó qua Viện Kiểm sát, thấy có đầy đủ trách nhiệm hình sự, sẽ bị xử lý hình sự thì chúng tôi khai trừ ngay.
- Vụ việc này hẳn là tạo ra rất nhiều áp lực với Sơn La, thưa ông?
Áp lực chứ.
Tôi nhìn thấy trách nhiệm của người lãnh đạo, trách nhiệm của chính mình trong việc chỉ đạo để làm quyết liệt vụ việc. Dù không trực tiếp, không liên quan đến việc làm của họ, nhưng đây cũng là những đảng viên của mình. Thực sự mất mát quá lớn. Tôi thấy rất buồn. Tôi chỉ muốn nói là chúng tôi sẽ xử lý đến cùng, để minh bạch, làm trong sách đội ngũ của mình.
Chỉ có sự thật thôi!
- Có rất nhiều phụ huynh liên quan trong việc gian lận thi cử là cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Được biết là họ có bản tường trình gửi Tỉnh uỷ rồi, bản tường trình đó như thế nào, có ai nhận sai không?
Chúng tôi chưa nghe báo cáo. Hiện Ban Tổ chức Tỉnh ủy vẫn đang làm, chúng tôi sẽ làm việc với các chi bộ có đảng viên liên quan đến vụ gian lận. Một là kêu gọi họ, nếu có thì hãy nhận đi. Tôi đã nói thẳng trong cuộc họp là không ai tự nhiên gắp điểm bỏ tay con mình đâu, nếu có thì phải nhận đi.
Việc này sẽ cần một quá trình nữa.
- Thế quan điểm của ông trong việc xử lý đối với những trường hợp này như thế nào?
Tôi nói rồi, là không có vùng cấm, không có vùng trống, không có bất kỳ điều gì ở đây cả, chỉ có sự thật thôi, chỉ có xử lý nghiêm minh, trên cơ sở căn cứ kết quả điều tra. Điều tra đến đâu xử lý đến đó, rõ đến đâu, xử đến đó.
Chúng tôi cũng đã đưa vụ này vào số những vụ án đôn đốc xử lý. Trung ương có quy định là những vụ án phức tạp thì cấp uỷ phải chỉ đạo và chúng tôi đã chỉ đạo Ban Nội chính đưa vụ án này vào diện Thường vụ theo dõi, báo cáo hàng tuần. Mình phải sát sao.
- Quan điểm mà ông chia sẻ là rất quyết liệt, không có vùng cấm. Đây là quan điểm cá nhân ông hay quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ?
Cái này cá nhân làm sao làm được? Nó phải là quan điểm của Ban Thường vụ. Khi mà chúng tôi bắt báo cáo hàng tuần là các bạn biết thế nào rồi đấy. Hàng tuần là cứ tổ chức, công an, kiểm tra, VKS vào báo cáo.
Chúng tôi là lãnh đạo tập thể. Mọi chủ trương là đều thông qua Thường vụ và đây là chủ trương từ lâu rồi, từ khi bắt đầu xảy ra vụ án này là đã có rồi.
- Việc công khai danh tính thì sao, theo ông nên thế nào?
Tôi đã chỉ đạo là sẽ công khai, nhưng phải có cách, chứ không phải tung hết cả lên như thế này. Khi mà chúng ta xem xét xử lý hình sự vụ việc thì cũng là một hình thức công khai.
Nếu hành vi của họ ở mức xử lý hành chính, kỷ luật theo Luật cán bộ công chức, viên chức thì cũng là một hình thức công khai. Đặc biệt đảng viên có trách nhiệm nêu gương rất lớn, nên càng phải xử lý công khai, minh bạch.
- Ông có chia sẻ với ý kiến của ĐBQH, gian lận như vậy là "cướp" cơ hội của người khác?
Có chứ, tôi rất chia sẻ.
Tôi rất chia sẻ với ý kiến của các đại biểu khi cho rằng gian lận điểm thi là hành vi ăn cướp cơ hội của người khác. Họp tôi đã nói thẳng rồi, mà thực ra có những người đau khổ thế này, con mình đủ điểm rồi, thừa đỗ cơ mà nhưng không hiểu vì lý do nào đó lại đi xin điểm, thế là con lại phải về, đủ điểm học vẫn phải về.
Bố mẹ thương con không đúng cách là tự hại con mình. Nhiều cháu nó rất tự trọng, nó không muốn việc này đâu, nhưng tại bố mẹ đấy, và tôi biết có việc chính thầy giáo lại đến vỗ về các cháu.
Mà tôi nói là những người đó không xứng đáng là thầy giáo đâu, cướp cơ hội của người khác là không được. Như thế không xứng đáng là nhà giáo một chút nào cả. Thầy giáo phải trung thực chứ.
Không cần nói việc có tiền nong hay không nhưng chỉ cần nói là anh làm cái việc đó là không đáng làm thầy giáo rồi. Nếu còn có tiền nữa thì càng không chấp nhận được. Khi anh lấy cơ hội cho con cái mình không xứng đáng là anh lấy mất cơ hội của người khác, những người xứng đáng hơn chứ.
- Xin cảm ơn ông!
(CAO)Liên quan đến vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Hội đồng thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, ngày 28/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã họp biểu quyết để thi hành kỷ luật đối với Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La Trần Xuân Yến.