Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành); trong đó: đã sửa đổi, bổ sung 162 Điều, sửa đổi 2 Điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.
Dự thảo Bộ luật cũng quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và có thể gây ra thừa lao động do doanh nghiệp không muốn tuyển lao động mới mà huy động người lao động hiện có làm thêm giờ.
Các đại biểu đóng góp ý kiến tại tổ về Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi)
Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, dự thảo Bộ luật quy định chỉ khi người lao động đồng ý thì doanh nghiệp mới được huy động làm thêm giờ; bảo đảm tổng số giờ làm việc trong một ngày không quá 12 giờ kể cả làm bình thường và làm thêm giờ; trả lương cao hơn ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết.
Liên quan đến việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ đưa ra 2 phương án trình Quốc hội xem xét. Trong đó, Phương án 1 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Đồng thời, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt; quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với Phương án 1, thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021).
Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn Phương án 1: tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).
Chính phủ đề xuất lựa chọn Phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo ĐB Phùng Quốc Hiển (Lai Châu), có nên tăng thêm giờ làm việc cho người lao động hay không? Cần xem xét kĩ, ông lo lắng nhất là nếu không cẩn thận, thì tăng thêm giờ làm sẽ bị doanh nghiệp lợi dụng cho việc tăng thêm lợi nhuận.
Về thời gian nghỉ Tết hiện nay, thời gian kéo dài, tăng thời gian nghỉ ngơi, sum vầy, nhưng thời gian kéo dài có thể đến 9 ngày lại khiến con người trở nên trì trệ. Đề nghị nghỉ Tết chỉ nên kéo dài 5 ngày. Tuy nhiên, không cắt số ngày nghỉ bù, mà đề xuất chuyển sang nghỉ hè, hoặc nghỉ đông. Ví dụ như đã có nghỉ 30/4,1/5, thì cho nghỉ thêm 2, 3 ngày nữa.
Về giờ làm việc, đất nước ta có nhiều vùng khí hậu khác nhau, nhưng liệu mỗi địa phương tự quy định giờ làm việc khác nhau thì có hợp lý hay không? Có địa phương 7 giờ, có địa phương 7 giờ 30, có địa phương 8 giờ 30. Đề nghị nên có giờ làm việc thống nhất trên toàn quốc.
Về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tuổi thọ bình quân tăng lên, do đó việc tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý. Tuy nhiên theo ông Hiển cần tính toán hợp lý, quỹ lương hưu cũng chỉ là một vấn đề, vấn đề quan trọng hơn là Việt Nam chỉ giữ dân số vàng trong vài chục năm nữa thôi.
Nếu giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay sẽ khiến cho lực lượng lao động bị suy giảm, những người còn làm việc tốt thì đã đến tuổi nghỉ hưu. Vì thế ông HIển đồng tình kéo dài tuổi nghỉ hưu và đồng tình với phương án nam 62, nữ 58.
Các đại biểu thảo luận tại tổ
Còn ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng khi tiếp xúc cử tri thì gần như cử tri rất băn khoăn việc làm thêm giờ, cho rằng chỉ phù hợp ở một bộ phận nhỏ, còn người lao động, công chức, viên chức, kể cả giáo viên gần như đều có tâm tư là không muốn làm thêm giờ với lý do, như thời gian chăm lo cho gia đình, sức khỏe...
Trong khi đó việc làm thêm giờ lợi ích thuộc lại thuộc về chủ lao động chứ không phải là người lao động. Nếu có chăng, thì người lao động chỉ được phần rất nhỏ, mà tăng giờ làm việc để đạt được mục tiêu của doanh nghiệp.
Về tăng tuổi nghỉ hưu, ĐB Thắng đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu, vấn đề về tuổi thọ, bảo hiểm, nhưng vấn đề là phải tăng như thế nào và tăng bộ phận nào. Câu chuyện về bình đẳng giới, nó đặt ra trước đây nam nữ chênh nhau 5 năm, bây giờ “đột ngột” nữ tăng lên 60 nam 62, phải đánh giá là vì sao lại như thế? Mà tại sao không tăng đều nam tăng hai tuổi, nữ tăng hai tuổi mà phải nữ phải tăng 5 tuổi mà nam chỉ tăng 2 tuổi nó có phù hợp với tâm sinh lý, tố chất của người phụ nữ không? Trong nhiều năm qua duy trì ở một mức giữa nam và nữ cơ bản và khá là phù hợp. Theo tôi thì nữ chỉ tăng thêm 3 tuổi, nam 62 là hợp lý, ĐB Thắng nói.
Cùng quan điểm với các ý kiến trên, ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho rằng theo đề xuất là tăng lên 400 giờ ông không đồng tình. Thế giới hiện đang giảm giờ xuống thì chúng ta lại tăng giờ lên. Đi các khu công nghiệp sẽ thấy điều kiện sinh hoạt khó khăn, nhà cửa không có, nóng bức, nên người lao động sẵn sàng làm thêm vài giờ đồng hồ, nhưng như vậy là làm kiệt sức lao động. Thế giới đang phấn đấu giảm giờ làm, tăng tiền lương, chúng ta lại ngược lại.
Về tăng tuổi nghỉ hưu, theo phân tích về tuổi thọ của người Việt Nam, cho thấy đề xuất này là hợp lý. Cần làm rõ lý do vì sao tuổi nghỉ hưu của nam tăng 2 tuổi, nữ lại tăng tận 5 tuổi. Cần có căn cứ, lý giải một cách khoa học. Cần phải loại đối tượng liên quan đến lao động nặng, ngành nghề độc hại ra khỏi danh sách và có xem xét, quy định, điều chỉnh riêng. Có thể cho họ nghỉ hưu từ năm 53, 54 tuổi.
ĐB Hùng cũng băn khoăn và lo lắng đối với vấn đề “Ban đại diện” (điều 172). Đã tham gia “Ban đại diện” thì không tham gia “Công đoàn” và ngược lại. Cần phải nâng cao vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn.
(CAO) Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội lưu ý điều này khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (29-5) xung quanh việc sửa điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.