Dự thảo Luật gồm 6 chương 40 điều, trong đó cò nhiều điểm mới. Đây là dự luật được đông đảo người dân quan tâm.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn hiện nay, số lượt công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài ngày càng tăng, năm 2007 có 1,9 triệu thì năm 2017 lên đến 9,2 triệu người xuất cảnh.
Để đáp ứng nhu cầu xuất cảnh của công dân, công tác quản lý xuất nhập cảnh đã liên tục được cải tiến, đơn giản hóa thủ tục. Trước những năm 2000, công dân có nhu cầu xuất cảnh mới được xem xét cấp hộ chiếu, kèm theo giấy tờ chứng minh mục đích xuất cảnh.
Nay, công dân có nhu cầu cấp hộ chiếu đều được xem xét, không yêu cầu phải khai mục đích xuất cảnh, giảm bớt nhiều thủ tục hành chính. Việc ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là rất cần thiết.
ĐB Đôn Tuấn Phong (An Giang), đồng tình với cơ quan chủ trì soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sự cần thiết phải ban hành luật. ĐB Phong cho rằng, dự thảo luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công dân Việt Nam trong việc xuất nhập cảnh.
Cũng theo ĐB Phong, Bộ Công an đã ngày càng đổi mới, đơn giản hóa thủ tục theo hướng tạo điều kiện cho công dân được cấp hộ chiếu, xuất nhập cảnh. Còn về tạm hoãn xuất cảnh để phong tỏa vùng dịch, là biện pháp bảo vệ cộng đồng và công dân Việt Nam trong trường hợp có dịch nên hoàn toàn ủng hộ.
Để người dân thuận tiện trong làm thủ tục xuất nhập cảnh, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an (ĐB của Bắc Ninh) cho rằng, mọi người dân đều được cấp hộ chiếu, đều được xuất cảnh. Tất nhiên Luật quy định một số trường hợp không được xuất cảnh, nhập cảnh.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu
Cũng theo ĐB Tô Lâm, một điểm mới nữa là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Trước đây, được cấp hộ chiếu là rất khó khăn, thậm chí phải làm nhiều thủ tục, giấy tờ, thời gian mới được cấp hộ chiếu.
Cho đến thời điểm này Luật tạo thuận lợi cho người dân nhất, thậm chí không cần phải giấy tờ mà chỉ căn cứ vào bản khai. Bản khai thể hiện rõ thông tin của mình thì nhà nước sẽ cấp hộ chiếu. Chỉ cần ảnh, số CMND, trong đó có ngày tháng năm sinh, quê quán, nơi cư trú, mọi thông tin cá nhân. Cơ quan xuất nhập cảnh chỉ cần đối chiếu thấy đúng thì sẽ cấp hộ chiếu.
Bên cạnh đó, các cơ quan xuất nhập cảnh cũng không cần lưu giữ lại các tập hồ sơ của người dân mang đến nộp mà việc lưu trữ thông tin đã được quản lý bằng hệ thống thông tin bằng công nghệ mới, không cần có các kho để lưu trữ.
Về điểm mới nữa để tạo đều kiện thuận lợi nhất cho người dân là người dân có quyền lấy hộ chiếu ở bất cứ đâu, trước đây là đi theo hộ khẩu, đi theo nơi cư trú. Bây giờ người dân có quyền gửi bản khai đó qua mạng internet, hoặc in ra gửi trực tiếp. Nếu người dân nhận 1 hộ chiếu lần đầu thì lần thứ hai ở bất cứ đâu liên hệ với cơ quan xuất nhập cảnh cũng có thể lấy được hộ chiếu (nếu ở nước ngoài thì liên hệ Đại sứ quán được uỷ quyền cấp hộ chiếu).
ĐB Tô Lâm cũng nhấn mạnh điểm thêm mới là ứng dụng hoàn toàn bằng công nghệ mới. Cái này là tạo điều kiện cho cả cơ quan quản lý, cấp pháp, kiểm soát xuất nhập cảnh và cả người dân. Nếu được gắn chíp thì việc kiểm soát qua xuất nhập cảnh rất thuận lợi. Chỉ cần hộ chiếu gắn chíp điện tử, hoặc cửa kiểm soát tự động thì không cần cán bộ quản lý, người dân cứ ra, vào cửa khẩu có hộ chiếu đặt lên cổng để cổng đọc được thông tin trên chíp, rồi thu lại thông tin trên chip thì có thể được xuất, nhập cảnh.
Làm cổng này, những người dân có thể đi qua rất nhanh, không cần kê khai, làm các thủ tục mà chỉ cần ra đặt tay lên hộ chiếu có chip điện tử, thời gian đi qua cửa khẩu không mất nhiều thì giờ…
Việc quản lý xuất nhập cảnh cũng cải tiến rất nhiều. Trước đây người dân hoặc người nước ngoài vào Việt Nam có hộ chiếu, hoặc thị thực, thậm chí có thời kỳ người Việt Nam ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam muốn về nước cũng phải đến cơ quan đại sứ quán xin thị thực về nước, thì nay đã bỏ rồi...
ĐB Tô Lâm cũng nhấn mạnh, những quy định trong luật này là sự tiến bộ rất mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, không chỉ trong khu vực mà trên thế giới, ứng dụng cao trong khoa học công nghệ.
Các ĐBQH thảo luận
Còn theo ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội), Luật cần và nên nêu rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của công dân Việt Nam khi xuất nhập cảnh ra nước ngoài. Họ không chỉ tuân thủ luật pháp nước sở tại mà phải gìn giữ văn hóa, bản sắc người Việt Nam, có trách nhiệm tuyên truyền giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam không phải cứ đi ra nước ngoài muốn mặc quần ngắn, khạc nhổ… làm hoen ố hình ảnh con người Việt Nam.
“Trường hợp vừa qua như Đoàn Thị Hương (bị tòa án Malaysia tuyên án 3 năm 4 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích bằng hung khí hoặc cách thức nguy hiểm, song được xét giảm án trước thời hạn – PV) khi trở về Việt Nam đã ứng xử như một “ngôi sao” thì trách nhiệm của công dân này ra sao? Phải xử lý như thế nào?”, đại biểu nói.
Do đó, theo đại biểu Hưng, dự án Luật phải làm rõ vấn đề này; đồng thời phải nêu ra trách nhiệm, quyền hạn đầy đủ của các cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng...
Các đại biểu cũng nêu thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam”, vì vậy đề nghị Bộ Công an cần sớm hoàn thành các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm kịp thời việc sản xuất hộ chiếu có gắn chíp điện tử và vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.