Trong đó gồm 77 dự án chuyển tiếp với tổng kinh phí gần 4.900 tỷ đồng; khởi công mới 47 dự án (hơn 1.800 tỷ đồng) và chuẩn bị đầu tư 94 dự án (tổng kinh phí 819 tỷ đồng).
Theo kế hoạch, thành phố sẽ giải quyết dứt điểm các điểm ngập tại lưu vực trung tâm và 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam và một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550km2, với khoảng 6,5 triệu dân. Đồng thời cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước, tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng được cam kết hoàn thành trong năm nay.
Ông Bùi Văn Trường (Trưởng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM) cho biết: Hiện nay, TPHCM có hơn 3.000km cống thoát nước, được phân cấp cho nhiều đơn vị quản lý, duy tu, vận hành.
Riêng Công ty Thoát nước đô thị đang quản lý, vận hành, duy tu khoảng 1.500km (đa số là những tuyến cống chính, cống lớn, huyết mạch), các cống nhỏ thì giao cho một số đơn vị khác.
Nhằm đảm bảo hệ thống cống thoát nước, trong quá trình vận hành, nhận thấy chỗ nào bất hợp lý, công ty đề xuất các giải pháp như: cải tạo mở rộng, lắp đặt thêm cống... để giảm ngập.
Mỗi khi trời mưa lớn hoặc triều cường mối lo thường trực của người dân TP.HCM là ngập úng
Về giải pháp chống ngập cho thành phố năm 2019, ông Trường cho hay, trong 6 tháng mùa khô, Công ty Thoát nước đô thị TPHCM đã hoàn thành việc nạo vét hệ thống mương cống. Tăng cường công tác duy tu, sửa chữa hệ thống hố ga, miệng thu, tăng khả năng thu nước mặt, đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ. Dự phòng, trang bị thêm máy bơm mới và các trang thiết bị khác phục vụ công tác ứng cứu.
Công ty Thoát nước đô thị TPHCM còn xây dựng các phương án ứng cứu cụ thể đối với từng điểm ngập. Thiết lập phần mềm và thành lập đội tuần tra gồm 40 người để tuần tra, kiểm tra các tuyến đường nhằm khơi thông rác, khơi thông miệng thu.
Phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, kêu gọi người dân chung tay chống ngập, hạn chế vứt rác bừa bãi, không che lấp miệng thu nước, khơi thông ống cống khi có rác rưởi, xà bần che lấp.
Công ty còn nghiên cứu ra hố ga kiểu mới nhằm ngăn mùi hôi, thu gom rác, nước được tốt hơn, đảm bảo mỹ quan hơn.
Người dân làm dấu trên đường để người lưu thông tránh chỗ ngập sâu, có ổ gà phía dưới
Ngày 16-5-2017, công ty ra mắt ứng dụng “truyền tải thông tin ngập cho TPHCM” (gọi tắt là UDI Maps). UDI Maps sử dụng bản đồ nền giao thông và các tính năng tìm đường được cung cấp bởi Google.
Đây là cổng thông tin 2 chiều giữa nhà quản lý và người dùng về tình trạng ngập úng tại TPHCM. Tất cả các điểm ngập đều có camera, chip cảm biến đặt ở dưới đường, báo cụ thể về độ sâu, ngập bao nhiêu, thời gian ngập bao lâu.
Ứng dụng này sẽ cung cấp cho người dùng các thông tin chi tiết, chính xác về tình hình mưa, triều cường, các điểm ngập để tìm các tuyến khác thay thế khi lưu thông.
Văn phòng UBND TPHCM vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBNDTP Trần Vĩnh Tuyến, tại buổi làm việc ngày 8-4 với Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (Công ty Quang Trung) về việc thuê máy bơm chống ngập. Theo đó, UBNDTP và Công ty Quang Trung chốt giá thuê trọn gói máy bơm chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh là 14,2 tỷ đồng mỗi năm.
Thành phố giao giám đốc Sở Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định giá, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố (Sở Xây dựng) tiếp nhận hồ sơ để đàm phán, ký hợp đồng. Thành phố thanh toán chi phí hợp đồng vào cuối mỗi quý, nếu tháng nào không đạt hiệu quả thì không thanh toán.
Máy bơm chống ngập có công suất lên đến 97.000m3/giờ (tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng) được Công ty Quang Trung đề xuất TPHCM sử dụng chống ngập với cam kết “không hết ngập không lấy tiền”.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đến nay, tại TP.HCM lượng mưa phổ biến xấp xỉ trung bình mọi năm, một số nơi cao hơn. Đặc biệt, mùa mưa năm nay dự báo kết thúc sớm hơn mọi năm.
Ông Lê Đình Quyết (Phó trưởng phòng Dự báo thuộc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ) cho biết: Dự báo trong 3 tháng tới, khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ có lượng mưa trung bình xấp xỉ những năm trước. Những tháng sau đó, khu vực miền Tây Nam bộ có khả năng ít mưa hơn mọi năm từ 20 - 30%.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, từ đây đến cuối năm, nền nhiệt được dự báo tăng hơn mọi năm từ 0,4 - 0,5 độ C. Nhiệt độ nửa đầu năm 2019 dao động từ 26,4 - 28,6 độ C. Hầu hết các nơi ở mức độ xấp xỉ và vượt trung bình mọi năm. Nhiệt độ cao nhất ghi nhận là 38,3 độ C tại Sở Sao (Bình Dương).
Nhiệt độ cao nhất tại TPHCM từ đầu năm đến nay là 37,7 độ C (ngày 1-5 vừa qua). Những tháng tới, dự báo có những trận mưa lớn với lượng nước trên 100mm. Năm nay, dự báo có từ 10 - 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Tại khu vực Nam bộ, ít có khả năng xảy ra bão.