(CAO) Thiếu niên 15 tuổi, ngụ Hậu Giang, chỉ vì mâu thuẫn với ba mẹ nên nghĩ quẫn, em đã uống thuốc trừ sâu tự tử.
Sau khi uống, em ói liên tục nhiều đàm nhớt, khó thở, lơ mơ dần nên người nhà đưa vào một bệnh viện địa phương sơ cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, em vì buồn chuyện gia đinh, bất mãn nên uống thuốc trừ sâu không rõ lượng, em khai khi còn tỉnh đã uống khoảng 2 nắp.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố cho biết, khi nhập viện, em có biểu hiện lơ mơ, mê, tím tái, thở yếu, tăng tiết đàm nhớt, đồng tử 2 bên co nhỏ khoảng 1mm.
Các bác sĩ cấp cứu nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thuốc trừ sâu rầy nhóm phospho hữu cơ, nên xử trí cho thở máy, rửa dạ dày, uống than hoạt tính để hấp thu độc chất và điều trị thử thuốc giải độc atropine tiêm tĩnh mạch, thấy có đáp ứng với điều trị.
Xét nghiệm định lượng men acetyl cholinesterase trong máu còn giảm nặng còn 840 đv/L (bình thường từ 5000-11000 đv/L) giúp khẳng định trẻ bị ngộ độc thuốc trừ sâu phospho hữu cơ.
Em được tiếp tục điều trị atropine và truyền tĩnh mạch pralidoxime - là thuốc tăng cường phục hồi men acetyl cholinesterase – men này bị giảm do bị bất hoạt bới thuốc trừ sâu phospho hữu cơ đưa đến tình trạng ngộ độc.
Buồn chuyện gia đình,
thiếu niên uống thuốc trừ sâu suýt mất mạng
Theo BS. Nguyễn Cát Phương Vũ, sau gần 1 tuần điều trị, tình trạng của em cải thiện, được cai máy thở, tỉnh táo, chức năng cơ quan cải thiện, định lượng men ACE hồi phục khả quan.
Đây là trường hợp khẩn cấp, nhờ kinh nghiệm thực tế, dựa vào biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ dưới sự chỉ đạo của BS CK2 Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã chẩn đoán và điều trị kịp thời cứu sống trẻ.
Thiếu niên cho biết, trước đó do nghĩ quẫn nên em đã có hành động nông nổi. Sau khi được cứu sống, em hứa với chuyên gia tâm lý và các y bác sĩ điều trị khi về nhà sẽ chăm ngoan học giỏi, phụ giúp cha mẹ nhiều hơn, không bốc đồng và yêu bản thân nhiều hơn.
Các bác sĩ lưu ý người dân khi sử dụng thuốc trừ sâu phải cất giữ thuốc nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em, không để chung với thực phẩm, thức ăn của gia đình, gia súc... để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Các chuyên gia tâm lý cũng lưu ý, điều quan trọng nhất để giúp trẻ vị thành niên thoát khỏi tình trạng trầm cảm hoặc hành vi tự tử là sự lắng nghe đúng cách từ cha mẹ. Tìm hiểu những vấn đề con gặp phải, hoặc con quan tâm và cố gắng đứng dưới góc nhìn của con để suy xét, hiểu được con cảm nhận thế nào.
Thay vì áp đặt suy nghĩ của bản thân lên con, cha mẹ nên kiên nhẫn nghe con giãi bày, sau đó trao đổi ý kiến với con, để con cảm thấy tâm tư, suy nghĩ của mình được tôn trọng thực sự. Khi ấy, trẻ sẽ tin tưởng cha mẹ và dễ dàng tâm sự với cha mẹ hơn.
(CAO) Bé trai 15 tháng tuổi (ngụ Long An) miệng sủi bọt mép, ói liên tục ngay khi được người nhà phát hiện bé đang cầm chai trà xanh C2 đựng thuốc trừ sâu Dragon, uống không rõ lượng.