(CAO) Bé trai 15 tháng tuổi (ngụ Long An) miệng sủi bọt mép, ói liên tục ngay khi được người nhà phát hiện bé đang cầm chai trà xanh C2 đựng thuốc trừ sâu Dragon, uống không rõ lượng.
Lập tức, bé được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Tại đây, bé được rửa dạ dày, bơm than hoạt, diễn tiến co giật liên tục, kích thích vật vã, tăng tiết đàm nhớt, sau đó mê dần, đồng tử co nhỏ như đầu kim, được xử trí co giật, đặt ống giúp thở.
Xác định hoạt chất hóa chất diệt cỏ chứa trong chai C2 là một loại phospho hữu cơ, bé được tiêm thuốc giải độc, chuyển nhanh đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.
Tại BV Nhi Đồng TP ghi nhận bé đáp ứng tốt điều trị. Kết quả xét nghiệm định lượng men acetyl cholinesterase trong máu ghi nhận giảm nặng còn 280 đv/lít (bình thường từ 5.000-11.000 đv/lít). Hiện sau 7 ngày hồi sức tích cực, sức khỏe của bé đã được cải thiện, được cai máy thở, tỉnh táo.
Bé trai suýt mất mạng vì uống nhầm
thuốc trừ sâu đựng trong chai trà xanh
Hiện sau 7 ngày hồi sức tích cực, sức khỏe của bé đã được cải thiện, được cai máy thở, tỉnh táo.
Theo các bác sĩ, thuốc Phospho hữu cơ chuyên diệt rầy, muỗi, gián, kiến do gia đình tận dụng đựng thuốc diệt sâu rầy trong chai C2 nhưng quên không để ý.
Theo BS. Lê Vũ Phượng Thy, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Nhi Đồng TP, hóa chất trẻ uống nhầm phổ biến là xăng, dầu hỏa, dung dịch cọ rửa, axít, chất diệt cỏ... Trẻ uống nhầm hóa chất thường có một số biểu hiện như ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất...
Ngoài ra, có thể có vết bỏng quanh vùng miệng tái nhợt do trẻ đã nuốt phải một loại chất độc ăn mòn. Tổn thương còn tùy theo loại hóa chất, nồng độ hóa chất, thời gian và liều lượng mà trẻ nuốt hoặc ăn phải.
Năm qua, khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố phải tiếp nhận hơn chục trẻ em nguy kịch do uống nhầm thuốc bảo vệ thực vật, xăng, dầu, hóa chất, nước rửa móng tay... Hầu hết trường hợp ngộ độc là do phụ huynh dùng chai lọ chứa thực phẩm để chứa hóa chất nên trẻ không biết vô tình người nhà tự gây hại cho con em mình.
Trong đó, thường gặp nhất là thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc diệt chuột. Đây là những thuốc hay dùng trong nông nghiệp để phòng trừ sâu bệnh, cỏ hoang và chuột phá hoại mùa màng. Tuy nhiên, có một tỷ lệ lớn người dân dùng thuốc bảo vệ thực vật mà không biết tên thuốc. Các loại thuốc này cũng khá rẻ và được người dân mua bán tự do, sử dụng vô tội vạ khiến tình hình ngộ độc thuốc, đặc biệt là trẻ em liên tiếp diễn ra, gây nhiều hậu quả đau lòng.
BS. Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc BV Nhi Đồng TP cũng lưu ý phụ huynh cần thực hiện tốt một số biện pháp phòng ngừa ngộ độc ở trẻ nhỏ như: Để thuốc và hóa chất ngoài tầm với của trẻ; đóng chặt nắp chai, hộp để trẻ không dễ dàng mở được; không để hoá chất, nước uống trong vỏ chai các loại nước uống; luôn có người giữ trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, vì tuổi này trẻ rất thích tìm hiểu thế giới xung quanh và “thử” bất cứ thứ gì trẻ sờ được.
Ngoài ra, để tránh nhầm lẫn, không nên để thuốc, hoá chất gần thức ăn, thức uống; không cất giữ hóa chất nếu không cần đến; nhất là không nói dối với trẻ thuốc là kẹo, vì sau này trẻ nghĩ các loại thuốc là kẹo, có thể ăn và bị ngộ độc.
(CAO) Thấy chai nước giải khát ở gốc cây bên sân nhà, bé trai lấy mở nắp rồi ngửa cổ uống. Ngay lập tức, bé ho sặc sụa, tím tái.