Vẫn còn cơ sở vì lợi nhuận mà coi rẻ tính mạng người tiêu dùng

Thứ Sáu, 04/01/2019 16:05  | Ngô Đồng

|

(CAO) Vẫn còn nhiều cơ sở, cá nhân vì lợi nhuận mà bất chấp pháp luật, coi rẻ sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, gian dối trong sản xuất, tuồn ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là sản phẩm có hại, chứa chất cấm.

Đó là những thông tin được chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra An toàn thực phẩm năm 2018, được tổ chức tại TP.HCM chiều 4-1-2019.

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, năm 2018 vừa qua, các đoàn kiểm tra của Ban đã kiểm tra 41.032 cơ sở, phát hiện vi phạm 11.395 trường hợp (chiếm 27,8%); phạt tiền 2.780 trường hợp với tổng số tiền phạt gần 17 tỷ đồng.

Đặc biệt, Đoàn kiểm tra của Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã kiểm tra và xử lý kịp thời nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Cụ thể, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Hotel Students (sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không đảm bảo an toàn) với số tiền 114,5 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu cơ sở ngưng hoạt động và buộc tiêu huỷ 404,1 kg nguyên liệu; 669,6 kg hàng hoá sản phẩm không nhãn mác; 808,3 kg bán thành phẩm chưa ép vỉ; 214.320 viên đã được ép vỉ (chưa thành phẩm) và 13 loại sản phẩm được chứa đựng trong hơn 220 thùng sản phẩm thành phẩm.

Kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh chả lụa không đảm bảo an toàn, với tổng số tiền phạt hơn 183 triệu đồng, tiêu hủy 30.038kg sản phẩm động vật.

Kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở sản xuất, sơ chế sản phẩm ớt không đảm bảo an toàn của DNTN Sơ chế Nông sản xuất khẩu Chí Cường tại huyện Bình Chánh, với số tiền 38,5 triệu đồng.

Nước trong hồ ngâm ớt có màu đen, sủi bọt và có xác côn trùng như ruồi, gián, cào cào.

Kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với công ty TNHH Suất ăn công nghiệp Song Hiếu (Q.12) với số tiền phạt 66 triệu đồng, tiêu hủy bắp cải, nấm, đậu que, cà rốt không nguồn gốc xuất xứ.

Kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính 2 cơ sở đã sử dụng hoá chất để sơ chế bắp chuối với tổng số tiền 68 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 5 tháng đối với mỗi cơ sở, tiêu hủy 165 kg hoa chuối, 45 kg hàn the và bột tẩy trắng.

Cơ sở sản xuất bắp chuối dùng chất tẩy trắng

Kiểm ta xà xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở sản xuất bánh mì liên quan vụ gây ngộ độc cho hơn 50 trẻ em, với số tiền phạt 84 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 2,5 tháng, buộc thu hồi sản phẩm để thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc tiêu hủy.

Theo ông Lê Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, qua hoạt động thanh kiểm tra phát hiện vẫn còn một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm chưa tốt: điều kiện vệ sinh khu vực sản xuất, chế biến xuống cấp; chưa cập nhật đầy đủ các hồ sơ pháp lý về an toàn thực phẩm (vi phạm về khám sức khỏe cho người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;...);...

Ngoài ra, một số cơ sở nước uống đóng bình, đóng chai còn sử dụng nước giếng để súc rửa vỏ bình hoặc làm nguyên liệu để sản xuất nước đóng bình nhưng chưa thực hiện kiểm nghiệm định kỳ nguồn nước; công đoạn súc rửa vỏ bình không đảm bảo dẫn tới sản phẩm nhiễm vi sinh tương đối cao.

Đáng lưu ý, vẫn còn một số cơ sở, cá nhân vì lợi nhuận sản xuất, chế biến các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo, bất chấp an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng.

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, vấn đề khó khăn hiện nay là lực lượng Thanh tra của Ban Quản lý An toàn thực phẩm còn thiếu, trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra chưa được trang bị kịp thời. Ngoài ra, cán bộ làm công tác quản lý an toàn thực phẩm tuyến phường, xã còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm.

Trong thời gian tới, Ban Quản lý An toàn thực phẩm sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề, diện rộng hướng trọng tâm đến mục tiêu chất lượng, hiệu quả. Qua thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Các trường hợp vi phạm sẽ được công khai trên website.

Cũng thông qua hoạt động thanh kiểm tra, sẽ tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Chiều cùng ngày, Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng tổ chức Lễ phát động chung tay đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố tại Phường 10, Quận 4. Trước đó, Lễ phát động cũng đã được tổ chức tại Khu thức ăn đường phố chợ Phạm Văn Hai, Q. Tân Bình. Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, việc phát động này nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm; đồng thời nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của người kinh doanh thức ăn đường phố.
Hàng triệu người dân Sài Gòn dùng tương ớt được sản xuất từ nước lã và hóa chất
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang