(CAO) Rất nhiều trẻ được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng vùng đầu mặt bị chấn thương nặng nề do tai nạn giao thông, trong đó phần lớn số trẻ không được đội mũ bảo hiểm.
BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt - BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, chỉ tính trong dịp nghỉ Tết dương lịch vừa qua, Khoa đã tiếp nhận xử trí cho 9 trường hợp trẻ nhập viện vì tai nạn giao thông.
Trẻ bị đa chấn thương: chấn thương sọ não, gãy chân tay, vết thương phần mềm toàn thân, gãy xương hàm mặt. Đáng lưu ý là trong số 9 ca thì có đến 8 ca trẻ không có đội mũ bảo hiểm, 1 ca có đội nhưng sai cách. Đây là một trong những nguyên do khiến trẻ bị chấn thương vùng đầu mặt nặng nề và để lại nhiều di chứng.
Cụ thể, bé trai 11 tuổi (ngụ Bình Phước) tự đi xe đạp tuột dốc, bé không đội mũ bảo hiểm. Bé được đưa đến bệnh viện trong tình trạng gãy tay trái, gãy hàm gò má và vỡ ổ mắt.
Hay như trường hợp của bé gái 10 tuổi (ngụ Hậu Giang), được phụ huynh chở bằng xe máy, bé không đội mũ bảo hiểm. Khi xảy ra tai nạn, bé bị gãy 2 tay, gãy chân phải, gãy mũi, hàm gò má, bờ ổ mắt, gãy xương hàm dưới.
Một trường hợp khác, bé trai 5 tuổi (ngụ TP.HCM), mẹ chở bé, bé không đội mũ bảo hiểm, bị tai nạn, mẹ bé chết, bé may mắn thoát chết nhưng bị gãy tay phải, gãy xương hàm dưới vùng cằm.
Bé trai 6 tuổi (ngụ Đồng Tháp), được mẹ chở bằng xe máy, bé cũng không có đội mũ bảo hiểm. Bé bị chấn thương sọ não, vết thương da đầu, gãy hàm gò má trái, gãy xương hàm trên, hàm dưới, rách mặt sau tai nạn.
Bé trai bị gãy hàm gò má trái, gãy xương hàm trên, hàm dưới, rách mặt sau tai nạn.
“Những vết thương trên vùng mặt dù bác sĩ có khéo tay đến đâu thì sau khi lành cũng để lại vết sẹo. Trong đó có những vết sẹo co kéo sẽ làm biến dạng vùng mặt như: sẹo dưới đuôi mắt khi ngủ sẽ nhắm không kín; sẹo ở khóe môi khi cười sẽ bị lệch; chấn thương làm lệch một vài nhánh dây thần kinh sẽ làm cho biểu cảm của các em khi khóc, cười không còn chính xác như khi bình thường. Các em rất dễ bị mặc cảm về tâm lý khi mang theo các vết thương này”, BS Nguyễn Văn Đẩu cho biết.
Những vết thương trên vùng mặt dù bác sĩ có khéo tay đến đâu thì sau khi lành cũng để lại vết sẹo
BS Đầu cho biết, không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mĩ là để lại sẹo, mà tai nạn gây chấn thương vùng mặt còn để lại di chứng về chức năng cho trẻ.
BS Đẩu cho biết, qua ghi nhận tình huống gây nên tai nạn giao thông gây chấn thương vùng hàm mặt ở trẻ thì có nhiều nguyên nhân khách quan. Do đó, BS Đẩu khuyến cáo quý phụ huynh nên cẩn trọng hơn khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Điều khiển phương tiện đúng luật và đặc biệt cần cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe đạp; nếu đi bằng ô tô thì thắt dây an toàn để hạn chế gây cho trẻ chịu hậu quả nghiêm trọng.
(CAO) Chỉ trong mấy ngày nghỉ Tết mà có hàng chục trẻ em phải nhập viện vì bị gãy xương hàm, chủ yếu do tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt gây ra. Nhiều trường hợp nặng, bé phải nằm viện theo dõi, đến nay vẫn chưa được về nhà để nhập học.