Nhiều trẻ em bị chó nhà cắn nát mặt

Thứ Năm, 13/08/2015 17:09  | Nam Anh

|

(CAO) Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2015, số người bị súc vật nghi dại cắn phải đi tiêm vắc xin phòng bệnh tại thành phố là 16.410 người, trong đó có 7.750 phụ nữ và 3.621 trẻ em.

Trẻ thường bị cắn vào mặt, cơ quan sinh dục

Trao đổi với báo chí ngày 13-8, bác sĩ Nguyễn Hữu Nhân - Trưởng khoa cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, phần lớn trẻ em thường bị cắn vào vùng mặt và bộ phận sinh dục trong lúc tiếp xúc gần với chó hoặc vô ý chạm vào, làm con chó đau trong lúc nó đang ăn, ngủ, mới đẻ.

Ca trẻ bị chó cắn mới nhất phải nhập khoa răng hàm mặt và phẫu thuật tạo hình của bệnh viện là bé trai T.L.T.T. (13 tháng tuổi, ngụ Bình Dương) bị một vết cắn dài trên mặt, phía dưới tai phải. Vết thương sâu lộ tuyến mang tai, kèm rất nhiều vết cào xước trên vùng mặt, cổ bệnh nhi.

Người nhà cho biết, vào chiều 11-8, bé T. chơi loanh quanh con chó đang ngủ trong nhà. Bất ngờ bé lấy cây chọc chó, lập tức bị chó cắn vào mặt.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, trưởng khoa Răng Hàm Mặt bệnh viện Nhi Đồng 1, bé T. đã được rửa, cắt lọc vết thương. Do vết cắn quá sâu, nên phải tiến hành khâu lớp thịt bên dưới, sau đó mới khâu thẩm mỹ lớp da bên ngoài.

Hiện em bé đã xuất viện. Nếu tính cả ca này, trong tháng qua đã có đến 4 trường hợp bị chó cắn nặng nề vùng mặt nhập khoa.

Di chứng nặng nề

Giải thích vì sao số trẻ nhập viện vì chó cắn tăng trong tháng qua, bác sĩ Đẩu cho rằng, thời điểm xảy ra tai nạn chó cắn thường rơi vào cuối ngày khi trẻ tan học về nhà, hoặc ngày nghỉ cuối tuần, và nhất là vào dịp nghỉ hè, các ca bị chó cắn tăng mạnh. Vào các thời điểm này, trẻ thường có hoạt động, tiếp xúc gần vật nuôi.

Trung bình mỗi năm, khoa tiếp nhận trên dưới 30 ca tương tự. Có ca khá nặng như trường hợp bé gái 7 tuổi ở huyện Hóc Môn bị cắn mất gần hết một bên má. Các bác sĩ rất vất vả mới có thể vạt da thịt ở vùng khác đắp vào, nhưng em vẫn bị biến dạng gương mặt.

Bác sĩ Đẩu cho biết, vết cắn trên mặt luôn để lại các di chứng nặng nề. “Có em bị vết thương trên má kéo xệ mắt, không khép mắt được cả khi ngủ. Hoặc môi bị lệnh sang một bên. Các nỗ lực can thiệp thẩm mỹ rất khó khăn”, bác sĩ Đẩu nói.

Một trong những điều góp phần làm di chứng thêm nặng đó là việc xử trí vết thương lúc mới bị chó cắn. Việc đầu tiên phụ huynh cần làm khi con bị chó cắn là phải rửa vết thương bằng nước sạch, xà phòng để loại đi tối đa vết dơ, vi sinh còn bám trên bề mặt vết thương. Sau đó, mang ngay trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời. Đa số các ca vào viện, theo bác sĩ Đấu, đều không được thực hiện các biện pháp cần thiết, cấp bách này.

Sau khi điều trị vết cắn, tiếp theo phải chích ngừa bệnh dại cho trẻ. Tuy nhiên, ngoài vết cắn, móng vuốt của chó còn cào xé gây nhiều vết trầy xước khác, nên cần chích luôn các mũi phòng bệnh uốn ván, bởi răng, móng chó rất dơ.

Đánh giá của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, hiện rất phổ biến việc nuôi chó, mèo và các động vật làm cảnh theo kiểu thả rông thiếu sự quản lý, dẫn đến số người bị động vật nghi dại cắn gây thương tích còn khá lớn. Khảo sát trên số người bị súc vật nghi dại cắn cho thấy, chó là loài vật cắn người nhiều nhất, chiếm 83,4% số ca.

Trước tình hình số người bị động vật nghi dại cắn có chiều hướng gia tăng, Trung tâm khuyến cáo người dân phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ cho vật nuôi theo hướng dẫn của thú y. Nếu bị chó cắn phải tiêm vắc xin đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch. Theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 2 tuần (ốm, chết, lên cơn dại…) để có hướng xử lý tiếp theo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang