(CAO) Ngày 28-5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 6 chương, 101 điều quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.
Luật này thay thế cho Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13.
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Để tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Đầu tư công với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất với đề xuất của Chính phủ là cần mở rộng phạm vi sửa đổi Luật Đầu tư công và lấy tên là Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo
Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, các ĐBQH cơ bản thống nhất là giữ nguyên quy định như Luật Đầu tư công hiện hành như quan điểm với của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, quy định về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công…
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định; Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10 nghìn tỷ đồng và các mức phân loại dự án A, B, C như quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc; ngược lại nếu điều chỉnh như đề xuất của Chính phủ sẽ gây xáo trộn lớn trong chuyển dịch phân loại, quản lý dự án.
Các ĐBQH tại phiên họp
Theo ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), trong hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và khóa XIV chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội. Một quốc gia đang phát triển mà một năm chỉ có 2 dự án quan trọng đã là quá ít.
Đại biểu cho rằng, nếu điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng gấp 2 lần mức hiện hành thì có thể sẽ chẳng còn dự án nào trình Quốc hội.
Trong khi đó, Quốc hội có vai trò quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà giờ Quốc hội có khả năng sẽ không quyết định dự án quan trọng nào là bất hợp lý.
Do đó, để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn, đại biểu đề nghị giữ quy định của Luật hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia và phân loại dự án A, B, C.
Còn ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, quy định như phương án 1 là phù hợp với Hiến pháp và chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.
Cụ thể, Hiến pháp đã khẳng định 3 chức năng cơ bản của Quốc hội, trong đó có chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.
Tại Điều 70 của Hiến pháp cũng quy định rõ nhiệm vụ của Quốc hội đó là Quốc hội hoạch định chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và những nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội.
Bên cạnh đó, danh mục dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn chính là một bộ phận trung tâm, hạt nhân, có tính chất quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Đây là vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến phân bổ tổng nguồn lực ngân sách nhà nước rất lớn trong cả 5 năm; có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia. Vì vậy, nội dung này cần phải được Quốc hội xem xét, quyết định...
Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trên cơ sở các ý kiến góp ý của các ĐBQH hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình các nội dung các đại biểu còn băn khoăn tại phiên họp; đồng thời chỉ đạo Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội và cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
Buổi chiều cùng ngày, các ĐBQH nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.
Nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.
Nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Sau đó các ĐBQH thảo luận ở tổ về hai Dự án Luật trên.