Nội dung đầu tiên được xin ý kiến là quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông (khoản 8 điều 5 của dự thảo luật).
Quy định này đưa ra 2 phương án, gồm: Phương án 1 là “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông”; phương án 2 là “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn”.
Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi tài xế có hơi men
Về quy định hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ theo điều 5 của dự thảo luật, hai phương án được xin ý kiến là: Phương án 1 bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau; phương án 2 không quy định về việc hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ.
Cũng được đưa ra xin ý kiến là quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình (điểm c khoản 3 điều 12 của dự thảo luật). Theo đó có 2 phương án được đưa ra: phương án 1 quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em. Phương án 2 quy định khung thời gian không được quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 19 giờ đến 20 giờ hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em.
Mỗi phương án đều có phần "ý kiến khác" để các vị đại biểu QH thể hiện chính kiến. Những ý kiến này sẽ được tổng hợp, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngay sau khi kết thúc việc xin ý kiến tại hội trường vào chiều mai (3-6).
Luật Phòng chống tác hại của rượu bia dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 7 này của Quốc hội, song trong phiên thảo luận tại hội trưởng hôm 23-5, các đại biểu còn rất phân tán khi cho ý kiến về nhiều quy định tại dự thảo.
Chẳng hạn liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 5 của dự luật, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định thời gian cấm bán rượu, bia từ 22 giờ đến 7 giờ sáng ngày hôm sau. Có ý kiến đề nghị quy định thời gian này là từ 20 giờ hoặc 22 giờ đến 6 giờ hoặc 8 giờ sáng ngày hôm sau; ý kiến khác đề nghị cần quy định khung giờ cấm bán rượu, bia để hạn chế việc uống rượu, bia và quy định chế tài xử lý nghiêm các cửa hàng bán ngoài giờ quy định. Có ý kiến đề nghị giải trình nguyên nhân không quy định thời gian cấm bán rượu, bia.
Cùng tại điều này, một số ý kiến đề nghị quy định cần cấm bán rượu, bia trên internet; ý kiến khác đề nghị cấm bán rượu, bia trên internet theo khung giờ cụ thể.
Một số ý kiến đề nghị xem xét quy định cấm quảng cáo rượu, bia trên báo in và internet, mạng xã hội; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cấm sử dụng người chưa đủ 18 tuổi tham gia các hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu, bia; hoạt động quảng cáo, tiếp thị rượu, bia trong khi có ý kiến cho rằng những quy định cấm đối với người chưa đủ 18 tuổi nên gom lại trong những khoản nghiêm cấm…
Về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia (Điều 28), có ý kiến cho rằng các quy định còn quá chung, chưa đủ sức răn đe, đề nghị phải bổ sung các chế tài phạt nặng, xử lý nghiêm minh.
Ý kiến khác đề nghị xem xét quy định trong dự thảo luật hoặc bổ sung vào Luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Hình sự các chế tài mạnh đối với hành vi uống rượu, bia khi lái xe.
Khi mà một số vị đại biểu đề nghị cần bổ sung hình thức xử phạt hành chính, kỷ luật như phê bình, khiển trách, buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật thì có ý kiến đề nghị tăng mức xử phạt hành chính sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, mức xử phạt hành chính khi uống rượu, bia gây tai nạn hoặc vi phạm các điều khoản khác nhưng chưa tới mức truy tố thì thu bằng lái xe từ 1 - 5 năm hoặc thu bằng vĩnh viễn; phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm; phạt tù không được hưởng án treo hoặc lao động công ích theo quy định đối với lái xe sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Cũng có đại biểu đề nghị phải tăng nặng mức chế tài, bổ sung các chế tài khác, quy định tăng nặng với các trường hợp tái phạm như lao động công ích, trừ điểm giấy phép lái xe, tăng phí bảo hiểm xe, tạm giam sau khi uống rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông cơ giới, gây bạo lực, xâm hại tình dục, gây rối trật tự xã hội.