Dự Luật phòng chống tác hại của rượu bia: Cấm ép người khác uống rượu bia

Thứ Năm, 23/05/2019 09:41  | Mai Loan

|

(CAO) Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, QH khóa XIV, sáng 23-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thảo luận về dự án luật này.

Cấm ép buộc người khác sử dụng rượu, bia

Đây là dự án Luật thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước bởi thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ tại nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng nhiều người, nguyên nhân do chủ phương tiện giao thông vi phạm quy định, có sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông.

Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này gồm 7 chương, 36 điều; trong đó có một số vấn đề lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý, như: tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật; chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm.

Bà Nguyễn Thúy Anh trình bày dự án Luật phòng, chống tác hại rượu, bia

Theo đó, hành bi vi nghiêm cấm (Điều 5). Một số ý kiến đề nghị rà soát các quy định có nội dung cấm tại các điều nằm rải rác trong dự thảo Luật và bổ sung quy định cấm ép buộc người khác sử dụng rượu, bia; cấm cho người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia; cấm uống chất có cồn trước và trong khi điều khiển phương tiện giao thông; cấm uống rượu, bia khi tham gia giao thông; quảng cáo, khuyến mại rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là những giải pháp hết sức mạnh mẽ và sẽ rất hiệu quả trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, quy định này dự báo sẽ chưa có tính khả thi cao, do vậy, xin được giữ như dự thảo Luật.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc lại quy định cấm bán rượu, bia trên internet vì không khả thi, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế phát triển thương mại điện tử...; một số ý kiến khác đề nghị hạn chế bằng cách quy định điều kiện như về độ tuổi được mua, nhất là đối với độ tuổi vị thành niên.

Tại kỳ họp này, một số nội dung của dự thảo Luật tiếp tục được đưa ra thảo luận như: quy định về quản lý, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia; về các biện pháp quản lý rượu thủ công; về các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia.

Cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở nên

Đối với quy định về quản lý, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia: Một số ý kiến không nhất trí với việc quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên và đề nghị xem xét các quy định về quảng cáo, khuyến mại để đảm bảo thống nhất với các quy định của Luật Quảng cáo, Luật Thương mại.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường 

Về quy định quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia (các điều 11, 12, 13 và Điều 14). Một số ý kiến không nhất trí với việc quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên và đề nghị xem xét các quy định về quảng cáo, khuyến mại để đảm bảo thống nhất với các quy định của Luật Quảng cáo, Luật Thương mại; ý kiến khác đề nghị quy định theo hướng quy định điều kiện quảng cáo rượu, bia.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật chỉ cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho rà soát các quy định liên quan đến quảng cáo rượu, bia của Luật Quảng cáo năm 2012, Luật Thương mại năm 2005 cũng như lịch sử của các quy định về quản lý trong lĩnh vực này thì thấy rằng, từ năm 2001 (ban hành Pháp lệnh Quảng cáo) đến nay, quảng cáo, khuyến mại rượu, bia ngày càng được quan tâm quản lý, nhận thức được nồng độ cồn có trong sản phẩm rượu, bia tỷ lệ thuận với tác hại của sản phẩm này nên các sản phẩm rượu, bia đã được quản lý theo hướng chặt hơn.

Theo đó, từ việc không quy định về quản lý quảng cáo rượu, bia trong Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001, tiến tới quy định cấm quảng cáo, khuyến mại rượu từ 30 độ cồn trở lên trong Luật Thương mại năm 2005, xác định rượu mạnh là đồ uống có cồn, độ rượu từ 15% trở lên tính theo thể tích trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm đồ uống có cồn năm 2010 và cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên trong Luật Quảng cáo năm 2012.

Để phù hợp với Luật Quảng cáo và tính đồng bộ của hai hình thức xúc tiến thương mại trong Luật Thương mại là quảng cáo, khuyến mại, dự thảo Luật đã quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.

Bên cạnh đó, với tính chất là sản phẩm không khuyến khích tiêu dùng, có ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và có thể tác động xấu đến an toàn, trật tự xã hội, để hạn chế ảnh hưởng của việc quảng cáo rượu, bia đến giới trẻ và phù hợp với xu hướng quốc tế (trên thế giới có hơn 123 nước có quy định biện pháp cấm hoặc hạn chế quảng cáo rượu, bia), tránh việc hiểu lầm là chỉ rượu từ 15 độ cồn trở lên mới gây hại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép quy định cụ thể việc quản lý quảng cáo rượu dưới 15 độ cồn và bia tại Điều 12 và Điều 13 của dự thảo Luật...

Trên cơ sở ý kiến thảo luận, Quốc hội sẽ quyết định về việc thông qua dự án Luật này với mục tiêu cuối cùng là bảo đảm sức khỏe của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang