ĐBQH phân tích giá điện tăng cao hơn mức EVN công bố

Thứ Tư, 22/05/2019 13:29

|

(CAO) Đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) đề nghị phải có Nghị quyết giao Chính phủ điều hành giá điện để đảm bảo tính công khai, minh bạch, vì ảnh hưởng phát triển kinh tế, liên quan đến đời sống người dân.

Cho rằng cơ sở lý luận, pháp lý thực tiễn của ngành Công Thương trong báo cáo về điều hành giá điện rất đầy đủ, song đại biểu Mai Sỹ Diến nhận định, để dư luận bức xúc như vậy thì cần xem xét lại.

Đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hoá)

Theo ông Diến, ngoài việc thanh tra kịp thời để báo cáo đúng hay không, cần giao Quốc hội giám sát chuyên đề việc đầu tư, quản lý, xây dựng định mức giá bán và điều chỉnh giá bán, có Nghị quyết giao Chính phủ điều hành giá điện để đảm bảo tính công khai, minh bạch, vì ảnh hưởng phát triển kinh tế, liên quan đến đời sống người dân.

Biểu giá điện do EVN xây dựng, được Bộ Công Thương thẩm định trình Chính phủ, hiện có 6 bậc. Bậc 1-2 là giá thấp hơn giá cơ bản, từ bậc 3 là giá cao hơn giá cơ bản. Quan điểm điều hành của Bộ Công thương là nhằm hỗ trợ cho người sử dụng ít, khuyến khích tiết kiệm điện.

“Với cơ chế thị trường, tôi thấy quan điểm này chưa phù hợp, vì người nghèo, người sử dụng ít thì Đảng, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tiền điện. Nhưng quan điểm của ngành điện trong sử dụng giá bậc 3, 4, 5 để điều tiết, hỗ trợ cho bậc 1, 2, tức là ngành điện đã thò túi của người này để bỏ vào túi người kia, mà không được người bị lấy cắp trong túi đồng tình” – ông Diến diễn giải.

“Ngành điện phải xây dựng lại bậc thang bảng giá điện. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ có 3 bậc giá, tại sao chúng ta không học? Bậc 1 là giá điện phải bằng giá cơ bản, vì đây là thị trường; giá bậc 2 là giá có kinh doanh, ngành điện đảm bảo mức kinh doanh, tích lũy; giá bậc 3 là giá hạn chế người sử dụng. Phải thu cao, thậm chí mấy lần, và ngành điện phải công khai" - đại biểu Diến yêu cầu, đồng thời kiến nghị Quốc hội giao UBTVQH giám sát chuyên đề, để có nghị quyết, giao Chính phủ điều hành nhằm đảm bảo công khai minh bạch, trên cơ sở pháp luật và phải được người dân đồng tình.

Chung quan điểm, đại biểu Lê Thị Thu Hà (Lào Cai) phân tích, bóc tách thực tế tăng giá điện lũy tiến so với mức cơ sở trước khi tăng giá, các chuyên gia kinh tế chỉ ra người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401 kwh trở lên) phải chỉ trả đến 2927 đồng cho 1kwh. Mức này tăng đến 189% so với giá cơ sở (1549 đồng), và tăng đến 15% so với bậc 6 (174%) trước khi chưa tăng giá - không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6.

Đối với bậc 3 (101-200 kwh) theo EVN là phổ cập, thì mức giá mới 2014 đồng sẽ có sự gia tăng lên 130% so với mức cơ sở (1549 đồng) hơn 10% so với giá cũ 1858 đồng (120%), khác với 8,4% mà EVN thông báo.

Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201- 300 kwh) là 12,7% (163,7%-151%), và ở bậc 5 (301-400kwh) là 14,2% (183%-168,8%). Như vậy thực chất mức tăng mới là 10%, 12,7%, 14,2%,15%, khác với 8,33 – 8,40% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt.

"Phần lớn người dân phải chịu mức tăng lũy tiến ở các bậc 130%, 163%, 183% và 189% so với mức cơ sở trước tăng giá. Cách giải trình của EVN ẩn đi một lần tăng giá, làm cho % tăng giá thấp hơn" - bà Hà chỉ ra. Nữ đại biểu yêu cầu minh bạch giá đúng của 1kwh điện (chi phí sản xuất đích thực mỗi kwh điện, quản lý phí từng kwh điện) và đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, báo cáo QH tại kỳ họp tới.

Trong khi đó, tại tổ thảo luận Hà Nội, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành khẳng định báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội đã minh bạch về thực trạng chi phí, giá thành điện.

Ông Thành cũng nêu rõ cơ sở việc điều hành điều chỉnh giá điện trong năm 2019 trong đó có việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc điều chỉnh giá khí, giá than bán cho điện, thuế bảo vệ môi trường...

Về phản ánh hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4-2019 tăng đột biến, báo cáo của Chính phủ lý giải là do 3 nguyên nhân. Thứ nhất là sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao. Hai, tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%. Ba, kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3 năm 2019.

Tuy nhiên, theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) thì giải trình như trên không thực sự thuyết phục và cho biết sẽ trở lại vấn đề này trong phiên chất vấn tới đây.

Chính phủ nêu 3 lý do khiến tiền điện tháng 4 tăng cao
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang