Rà soát hơn 1.500 dự án lãng phí đất đai

Thứ Ba, 21/05/2019 11:14

|

(CAO) Qua việc này, 28,48 nghìn ha đất đã được xử lý - Chính phủ cho biết khi báo cáo Quốc hội về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực đất đai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3-1-2018 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, yêu cầu các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá đất.

Chính phủ cũng chủ trương chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn, chiếm đất, lãng phí đất đai… tập trung giải quyết các vấn đề bất cập trong quản lý sử dụng đất nông, lâm trường.

Ảnh minh họa

Đánh giá chung, Chính phủ cho biết, việc lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng yêu cầu về mặt bằng cho hoàn thiện hệ thống hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, du lịch, dịch vụ; văn hóa - xã hội, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo đó, xác định rõ diện tích đất trồng lúa nông dân được chuyển đổi mục đích linh hoạt sang đất trồng cây hàng năm và cây ăn quả mà chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký với UBND cấp xã, không phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo số liệu được Chính phủ công bố, tình trạng lãng phí đất đai đã được tập trung chỉ đạo rà soát, xử lý hơn 1.500 dự án với diện tích 28,48 nghìn ha đất. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sắp xếp đất đai của 252 công ty nông, lâm nghiệp để trên cơ sở đó đổi mới mô hình quản trị nâng cao hiệu quả sử dụng đối với 2.018 nghìn ha đất được giữ lại; thu hồi chuyển giao cho các địa phương 402,6 nghìn ha để giải quyết vấn đề định cư cho đồng bào dân tộc nhất là ở khu vực Tây Nguyên. Các quy định về điều kiện giao đất, tăng cường đấu giá đất để ngăn ngừa yếu tố đầu cơ, tăng nguồn thu từ đất cho NSNN được thực hiện nghiêm.

Đến thời điểm này, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, cả nước đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đối với 97,2% diện tích đất cần cấp (không bao gồm giấy chứng nhận cấp đổi, cấp lại, cấp mới khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất), góp phần thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản năm 2018. Hoàn thành đưa vào cơ sở dữ liệu đất đai của 161/713 đơn vị hành chính cấp huyện; 8 tỉnh thành phố đã thực hiện liên thông thủ tục giữa cơ quan tài nguyên và môi trường với cơ quan thuế.

Đáng chú ý, nhiều địa phương đã đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa, triển khai thực hiện các mô hình, phương thức tập trung đất đai cho nông nghiệp công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, điển hình là Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Nam, Quảng Trị, Bình Phước, Tây Ninh, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ ra một số tồn tại, cụ thể là qua thanh, kiểm tra đã phát hiện 827 đơn vị có vi phạm với số tiền trên 465 tỷ đồng và 9.759 ha đất. Chỉ riêng kết luận thanh tra công tác quản lý ngân sách nhà nước của Bộ Tài chính đã lưu hành trong năm 2018 đã phát hiện (đến tháng 5-2018) 23 doanh nghiệp đang thuê 25 thửa đất với tổng diện tích đất thuê là 312.270,7 m2 do chưa nhận được Phiếu chuyển thông tin địa chính của Sở Tài nguyên và Môi trường dẫn đến Cục Thuế chưa xác định được đơn giá thuê đất, chưa thông báo thu tiền thuê đất, chưa thu tiền sử dụng đất. Các cơ quan chức năng đã kiến nghị thu hồi 42 tỷ đồng, 551 ha đất, kiến nghị xử lý khác 423 tỷ đồng, 9.208 ha đất; xử lý hành chính 77 tập thể, 249 cá nhân.

Chưa hết, công tác quản lý đất đai còn để xảy ra nhiều thiếu sót, vi phạm chủ yếu tập trung trên các nội dung: giao đất, cấp đất sai đối tượng, quy định; sử dụng đất không đúng mục đích, sai quy định; lấn chiếm đất; bỏ hoang hóa. Các địa phương phát hiện nhiều sai phạm qua thanh tra  được Chính phủ "gọi tên" có Bắc Giang, Hà Giang, Lai Châu, Bình Định, Đắk Nông, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế,...

Tình trạng khiếu kiện về đất đai tuy đã giảm nhưng theo Chính phủ, vẫn còn phức tạp ở một số địa phương, nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Việc giao đất, cho thuê đất còn có trường hợp không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt; chậm thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án.

Trong khi đó, vẫn còn các dự án chậm triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp; tự ý cho thuê lại đất theo hình thức cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần; thực hiện cho thuê lại đất khi chưa thực hiện xây dựng xong kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; chưa liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện việc nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đã tự ý cho thuê lại đất theo hình thức thuê đất trả tiền thuê đất một lần... Thái Nguyên, Đồng Nai, TP. Cần Thơ, Đắk Lắk, Điện Biên, Ninh Bình, Quảng Bình, Đắk Nông, Tây Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh là những địa phương được nêu tên.

Bình luận (0)

Lên đầu trang