(CAO) Cơ bản nhất trí với những thành quả kinh tế - xã hội trong quý I-2019 được nêu trong báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên Uỷ ban Kinh tế (UBKT) lưu ý Chính phủ khá nhiều vấn đề.
Thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, UBKT chỉ ra tình hình sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có dấu hiệu chững lại. Một số ý kiến của Uỷ ban băn khoăn về khả năng duy trì các động lực sản xuất của ngành này cũng như việc thiếu các sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu quốc gia, việc tham gia của doanh nghiệp cơ khí, hỗ trợ vào sản xuất của một số tổ hợp sản xuất mới còn rất thấp.
Chủ nhiệm UBKT Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra
Trong khi đó, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản còn nhiều khó khăn; tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng tác động xấu đến chăn nuôi; thời tiết không thuận lợi, hạn hán xuất hiện sớm ở một số khu vực cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống; công tác dự báo cung, cầu còn bất cập.
Nhận định giá dịch vụ công tiếp tục được điều chỉnh và giá thực phẩm có khả năng tăng, Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá bán xăng, điện và tác động đối với CPI và các mặt kinh tế, xã hội.
Cơ quan thẩm tra cũng bày tỏ lo ngại trước tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đạt thấp; việc thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn nhiều vướng mắc; các dự án hạ tầng đầu tư theo hình thức PPP, nhất là dự án BOT, BT ngành giao thông đang gặp nhiều khó khăn.
Liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, Uỷ ban Kinh tế đánh giá, việc cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc và một số tổ chức tín dụng phi ngân hàng vẫn còn khó khăn; việc đáp ứng chuẩn mực vốn theo thông lệ quốc tế là thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước; việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 còn một số vướng mắc trong thi hànhán dân sự, thu giữ, xử lý tài sảnbảo đảm...
Đáng lo ngại, hoạt động “tín dụng đen” vẫn diễn biến rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm mất trật tự an ninh xã hội trong khi công tácquản lý hoạt động này còn bất cập.
Thời gian tới, UBKT đề nghị Chính phủ tăng cường sự chủ động và phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương trong xử lý nợ xấu; nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ để xử lý tình trạng “tín dụng đen” trong đó sớm hoàn thiện chế tài xử phạt,chú trọng các giải pháp phát triển nền tài chính toàn diện tập trung vào tài chính vi mô và tài chính tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn. UBKT cũng cảnh báo Chính phủ cần kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao.
Lưu ý về phát triển cơ sở hạ tầng, UBKT cho rằng các công trình trọng điểm chưa tạo ra “cú hích” cho nền kinh tế trong ngắn hạn và gia tăng năng lực sản xuất trong dài hạn, đặc biệt một số dự án giao thông quan trọng quốc gia vẫn chậm trong khâu giải ngân, triển khai thực địa.
Hệ thống giao thông kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận chậm được cải thiện, gây tắc nghẽn giao thông, giảm tác động lan tỏa trong phát triển; tiến độ xử lý các vướng mắc liên quan đến các dự án BOT, minh bạch trong quản lý thu phí,thay đổi phương thức quản lý trong bối cảnh ứng dụng công nghệ hiện đại, việc thu phí tự động không dừng… triển khai còn chậm.
Tới đây, UBKT đề nghị Quốc hội giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm các sai phạm trong tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng và giao thông.
Cơ quan này cũng cho rằng cần khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân để đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia; đồng bộ hóa các giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.