Về nơi Sở Chỉ huy tiền phương Bộ đội Trường Sơn đóng quân

Chủ Nhật, 19/05/2019 13:49

|

(CAO) Năm 1966, do bị địch đánh bom, bắn phá ác liệt, Sở Chỉ huy tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 đã quyết định di chuyển từ H.Minh Hóa (Quảng Binh) về đóng tại xã Hương Đô (H.Hương Khê, Hà Tĩnh).

Ngày nay, nơi đây đã trở thành Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt trong hệ thống di tích lịch sử đường mòn Trường Sơn – tức đường mòn Hồ Chí Minh. Những câu chuyện về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị Tư lệnh tài ba được coi là “kiến trúc sư” của con đường huyền thoại này vẫn đang được người dân địa phương lưu truyền, kể lại.

Chuyện về vị tướng huyền thoại

Nằm giữa xóm 7 (xã Hương Đô, H.Hương Khê, Hà Tĩnh) hiện nay vẫn đang còn một cụm di tích về Sở Chỉ huy tiền phương Tổng cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500.

Đó là những ngôi nhà, căn hầm trước đây Sở Chỉ huy làm việc, tránh bom quây quần cách nhau vài trăm mét. Năm 2005, quần thể Khu di tích Sở Chỉ huy tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Đến năm 2013, nơi đây được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt trong hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn – tức đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.

Những ngày này, chính quyền và người dân địa phương đang náo nức bởi kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn. Qua đó, những câu chuyện về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Đoàn 559 và Đoàn 500 được người dân kể lại cho chúng tôi nghe.

Năm nay đã 89 tuổi nhưng ông Phan Văn Đệ - nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Hương Khê vẫn rất minh mẫn, nhớ như in những kỷ niệm về Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 đóng quân và làm việc nơi đây.

Ông Đệ kể, năm 1966, do địch thả bom đánh rát, Sở Chỉ huy tiền phương Tổng cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 đã di dời từ H.Minh Hóa ra xã Hương Đô. Lúc đó, ông Đệ đang là Phó chủ tịch UBND H.Hương Khê và được phân công làm việc trực tiếp với lãnh đạo Tổng cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500.

Hầm trú ẩn trong Sở Chỉ huy tiền phương Bộ đội Trường Sơn.

Ông Đệ nhớ lại: “Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên về gặp và trao đổi với tôi. Sau đó ông Nguyên đã chọn xóm 7, xã Hương Đô đóng Sở Chỉ huy tiền phương vì nơi đây rừng núi có cây cối rậm rạp, xung quanh có sông suối và quan trọng hơn nữa tinh thần cách mạng của người dân rất cao”.

Theo ông Đệ, sau khi Sở Chỉ huy tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 chuyển về, người dân địa phương đã nhường 20 ngôi nhà cùng nhiều vườn tược để xây dựng cơ sở, phục vụ tác chiến.

Dẫn chúng tôi đến thăm ngôi nhà gỗ 3 gian được lợp tranh, vách phên nằm ngoài trục đường chính của xóm 7, ông Đệ cho biết đó là Sở Chỉ huy, nơi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm việc. Trong chiến tranh, đây là ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Nhuệ và bà Đinh Thị Khánh.

Sau này, do thời gian ngôi nhà xuống cấp nên chính quyền địa phương cho phục dựng lại. Trong nhà có một chiếc bàn làm việc bằng gỗ, một chiếc chõng tre mà Trung tướng nằm nghỉ ngơi. Cạnh đó, hệ thống hầm trú ẩn tránh bom, đạn và cũng là nơi bàn việc của các chỉ huy, tướng lĩnh.

Ngay từ cửa chính đi vào ngôi nhà, bây giờ chính quyền và người dân địa phương đã dựng bàn thờ, thờ cúng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên để tỏ lòng biết ơn ông.

Hầm trú ẩn trú ẩn trước nhà hội họp.

Cách đó không xa là bộ phận hậu cần phục vụ cơ quan Bộ Tư lệnh, được đặt tại nhà ông Ngô Hạp và bà Nguyễn Thị Minh, còn bộ phận thông tin liên lạc đặt tại nhà bà Nguyễn Thị Nhỏ. Riêng hội trường hội họp, sinh hoạt văn nghệ của bộ đội được đặt tại nhà ông Hoàng Văn Học. Nơi đây có hệ thống hầm trú ẩn dày đặc, phía trên được đắp bờ lũy. Trong chiến tranh, đây là nơi hội họp, bàn việc quan trọng nên được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Cũng tại nơi này đã diễn ra Hội nghị tổng kết mùa khô 1966-1967 hay còn gọi là Hội nghị Hương Đô.

Giúp dân tăng gia sản xuất

Thường xuyên được tiếp xúc làm việc với Trung tướng, ông Phan Văn Đệ nhận xét, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên là người có lối sống giản dị, không cầu kỳ và rất gần gũi với người dân. Mặc dù bận công việc nhưng Trung tướng cùng với cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn ngoài việc thực hiện chiến dịch giải phóng miền Nam, vẫn luôn kề vai sát cánh cùng quân dân địa phương bảo vệ và chăm lo cho đời sống người dân.

Vị tướng huyền thoại luôn tranh thủ thời gian tiếp xúc từng cán bộ, người dân, hướng dẫn họ tăng gia sản xuất, sẵn sàng chiến đấu, phòng tránh khi địch ném bom. Đặc biệt, ông luôn đề cao động viên cán bộ, người dân địa phương đồng lòng cùng bộ đội Trường Sơn đảm bảo mạch máu giao thông để chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Bia Di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh.

Thời gian này, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đảm nhiệm chức vụ Phó chủ nhiệm Tổng Cục Hậu cần, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương và phụ trách 4 binh trạm vận tải từ sông Lam vào đến đặc khu Vĩnh Linh (Quảng Trị), tổ chức tiếp nhận hàng và bộ đội từ hậu phương miền Bắc vào giao cho Đoàn 559.

Năm 2005, quần thể Khu di tích Sở Chỉ huy tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến năm 2013, nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt trong hệ thống Di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Đầu tháng 4-2019, sau khi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên mất, chính quyền và nhân dân xã Hương Đô đã lập bàn thờ tại khu di tích lịch để các cơ quan, đoàn thể và bà con nhân dân được đến dâng hương tưởng nhớ.

Ông Đinh Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Hương Đô, cho biết: “Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người có tình cảm rất sâu sắc, gần gũi với người dân Hương Đô. Khi nghe tin ông mất, mọi người đã tỏ ra rất thương tiếc và có ý nguyện lập bàn thờ để thờ cúng ông”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang