Rượu bia: "Có người uống cả lít vẫn thấy bình thường"?

Thứ Năm, 23/05/2019 10:57

|

(CAO) Quan điểm của các đại biểu còn rất khác nhau khi thảo luận về dự luật Phòng chống tác hại của rượu bia.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành luật, đại biểu Nguyễn Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, không cần phải dẫn chứng cụ thể những vụ việc thương tâm, những câu chuyện nhức nhối từ tai nạn giao thông tới bạo lực gia đình hay xâm hại tình dục… do tác hại rượu bia đã gây ra nữa vì đó thực tế đã là vấn nạn.

Đại biểu Ksor Phước Hà nêu ý kiến tại phiên thảo luận

“Nếu đặt mình vào từng gia cảnh, từng thân phận con người đang đối mặt với những mất mát đau thương, kể cả những người vì rượu bia mà vướng vào vòng lao lý, chúng ta sẽ hiểu được nỗi đau hay bản án lương tâm mà họ đang phải trải qua mỗi ngày”- đại biểu Hiền cảnh báo.

Dù vậy, theo đại biểu Hiền, các quy định cũng chỉ có thể tính đến việc làm sao hạn chế tác hại của rượu bia. Nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân hoặc là tội phạm.

Đi sâu vào vấn đề bảo vệ trẻ em trước tác động của rượu bia, nữ đại biểu Phú Yên lưu ý dự luật cần chú trọng nguyên tắc, hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn, kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho trẻ không bị lầm tưởng rằng rượu bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng.

“Thực tế, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước hiện nay đa số có độ cồn từ 4,2 đến 5%. Tổ chức Y tế thế giới từng nhận định, bia hiện là loại đồ uống phổ biến ở Việt Nam khi lượng tiêu thụ bia lên tới hàng tỷ lít/năm” – bà Hiền nói, đồng thời bày tỏ lo ngại trong điều kiện bia được tiếp thị, quảng cáo rộng rãi như hiện nay, bia sẽ là lựa chọn chính với giới trẻ khi bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn.

Do đó, đại biểu này đề nghị quy định hạn chế quảng cáo bia với độ cồn từ 4% trở lên thay cho trên 5,5% mới bắt đầu kiểm soát và nới khung giờ kiểm soát quảng cáo này trong suốt chương trình truyền hình đến 21 giờ tối.

Chia sẻ với sự quan tâm của đại biểu Hiền, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) không đồng tình với việc loại bỏ một quy định đã từng được thể hiện trong dự thảo là “cấm bán rượu bia có nồng độ cồn từ 15% trở lên trên mạng internet”.

Đại biểu Nhân phân vân với việc bia có nồng độ cồn dưới 5,5% không bị hạn chế quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. “Loại đồ uống có khả năng nguy hại với trẻ em này trở thành sản phẩm được phủ trong “vùng trắng”, thả sức quảng bá, lan truyền tới mọi giới, mọi người, trong mọi khung giờ”- đại biểu Nhân lo lắng. Ông yêu cầu cầu nên cân nhắc những yếu tố tác động xấu đến trẻ em, một đối tượng yếu thế cần bảo vệ.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Kso Phước Hà (Gia Lai) nhận định tác động của rượu bia khác nhau với mỗi người sử dụng.

“Có người chỉ uống một ly rượu thôi cũng tắt thở nhưng có người uống cả lít vẫn bình thường. Việc sử dụng, làm quen với rượu bia cũng khác nhau ở theo địa bàn, tập quán sinh sống. Như bản thân tôi, ngay từ khi còn bé tôi đã được uống rượu rồi mà uống rồi, tôi vẫn thấy bình thường, không sao cả. Sinh sống, lớn lên ở làng bản Tây Nguyên thì cứ có lễ, có hội họp là uống thôi” – đại biểu Hà chia sẻ.

Liên quan đến việc quảng cáo, bán rượu bia trên Internet, bà Hà băn khoăn về tính khả thi, bởi lẽ trên không gian mạng, không chỉ quảng cáo, bán rượu bia mà đủ nội dung nhạy cảm khác vẫn “phơi” ra hàng ngày.

“Có quy định ràng buộc nên bao giờ nhà cung cấp cũng trưng lên một dòng “Bạn đã đủ 18 tuổi chưa?” nhưng việc trả lời là do người dùng tự chọn, bất cứ ai cũng có thể nhấp một click để truy cập mà không thể có công cụ nào kiểm soát có đúng người đó đã đủ 18 tuổi” – đại biểu Hà phân tích.

Quay lại với Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực từ tháng 5-2013 nhưng hiệu quả rất khó đong đếm, đại biểu Hà kiến nghị Quốc hội xem xét lại, chỉ nên xây dựng một chương trình hành động phòng chống tác hại rượu bia.

“Không nên bấm nút thông qua luật, một dự luật có thể thấy rõ khó khả thi” – đại biểu Hà nhấn mạnh.

Băn khoăn trên cũng được đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) nhắc đến trong gần cuối phiên thảo luận. Theo ông Xuyền, uống rượu là một thứ văn hoá, nên phải ứng xử bằng văn hoá, chứ dùng luật chưa hẳn đã là hay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang