Có dễ thay đổi văn hóa sử dụng rượu, bia?

Thứ Năm, 23/05/2019 15:43  | Mai Loan

|

(CAO) Thời gian qua, người sử dụng (SD) rượu, bia đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt không ít trong số này lại tham gia giao thông, dẫn đến nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, khiến dư luận bức xúc.

Bên hành lang quốc hội (QH), phóng viên Báo CATP đã trao đổi với đại biểu (ĐB)QH Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) về một số vấn đề còn gây tranh cãi liên quan đến dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia vừa được QH thảo luận sáng 23-5.

Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, qua dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ, QH để có thể tìm ra phương án tối ưu nhằm kiểm soát loại thức uống có cồn này, bởi việc SD rượu, bia đem lại không ít tác hại cho xã hội.

Một trong những điểm đáng chú ý, đa số các vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra thời gian qua thì hầu hết người tham gia giao thông đều SD rượu, bia quá quy định cho phép, vì thế giờ chúng ta phải hành động ngay, không thể chờ lâu hơn được nữa.

Về những kiến nghị còn gây tranh cãi, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, đây là vấn đề thuộc về “văn hóa SD rượu, bia” ở nước ta, mà theo cách gọi nôm na là “truyền thống uống rượu”.

Theo nữ ĐB này, truyền thống thường là những điều tốt đẹp của quốc gia, dân tộc, nhưng “truyền thống” ở đây được hiểu là thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức, vì thế muốn thay đổi ngay thì rất khó và cần thời gian dài để sửa đổi.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội

“Chúng ta đương nhiên phải kỳ vọng nhưng cũng cần sự giới hạn của luật và luật phòng chống tác hại này, theo đánh giá, chỉ tác dụng nhiều trong vấn đề làm sao để từng bước thay đổi tư tưởng và “văn hóa SD rượu, bia”; còn những biện pháp chế tài kèm theo vẫn chưa thỏa đáng.

Chúng ta đã đưa ra nhiều biện pháp (trong đó có việc tăng thuế) nhằm giảm tính tiếp cận với loại thức uống có cồn này, đặc biệt là với lớp trẻ… Nhưng cần lưu ý, cái gì cũng đi kèm với hệ lụy, bởi muốn biện pháp đạt hiệu quả thì song song đó phải kiểm soát được rượu bia nhập lậu, rượu bia giả, rượu nấu thủ công…”.

Nữ ĐBQH nhấn mạnh: “Chúng ta phải hạn chế tối đa việc quảng cáo cũng như không khuyến mãi, tặng thưởng… bằng rượu, bia. Đặc biệt, cấm SD rượu, bia trước và trong giờ hành chính. Muốn thay đổi điều đó thì đầu tiên, bản thân mỗi lãnh đạo, cán bộ công chức, đảng viên phải gương mẫu, hạn chế SD rượu, bia; tuyệt đối cấm việc ép, khích nhau nâng ly đến say xỉn..., nhất là vào công sở không được uống rượu bia...".

Nếu chúng ta đặt “văn hóa SD rượu, bia”, tác dụng của rượu, bia vào đúng vị trí thì rất tốt, nhưng thường rượu, bia được SD nhằm mục đích trở thành cứu cánh cho những người không vững về tinh thần, qua đó chỉ tạo nên ảo tưởng, chứ không đem lại được tác động tích cực, đó là chưa kể đến hệ lụy về sức khỏe, tinh thần cũng như khi tham gia giao thông sẽ dẫn đến tai nạn...

Đại biểu QH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, vấn đề thay đổi “văn hóa SD rượu, bia” hiện khá nan giải.

Theo bà, Luật có thể giải quyết được tất cả vấn đề nếu như không thay đổi văn hóa, mà nếu thay đổi văn hóa thì cần có quá trình và phải đi kèm với chế tài mạnh, đặc biệt cán bộ đảng viên phải đi trước, làng nước theo sau. Bản thân mỗi người cần nghiêm túc và ý thức được rằng không nên quá chén trong mọi hoàn cảnh, tình huống thì dần dần sẽ xây dựng được lối sống lành mạnh…

Rượu bia:
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang