Đau đầu gỡ rối Luật Quy hoạch

Thứ Ba, 04/06/2019 06:29

|

(CAO) Sau 5 tháng có hiệu lực, Luật Quy hoạch đang bộc lộ nhiều vướng mắc. Phía Chính phủ "đòi" sửa bằng một Nghị quyết chuyển tiếp nhưng nhiều đại biểu cho rằng, việc làm này là hồi sinh những điều khoản "đã chết" và "chôn" Luật quy hoạch.

Chiều tối 3-6, các thành viên Ủy ban Kinh tế đã tiến hành họp thẩm tra dự thảo Nghị quyết thi hành luật Quy hoạch, luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch; luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch. Phiên họp này xây dựng báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp tối nay (4-6).

Năm địa phương chưa phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh

Luật Quy hoạch được chuẩn bị từ Quốc hội khóa 13, chuyển sang Quốc hội khóa 14 và phải qua 3 kỳ họp, đến cuối 2017 mới được thông qua. Đáng chú ý, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, cũng phải đến 1-1-2019 luật mới có hiệu lực, để có thời gian cho quá trình chuyển tiếp. Thế nhưng chưa kịp đến mốc này, Chính phủ đã đề nghị sửa chỉ sau 5 tháng luật có hiệu lực.

Ba vướng mắc được Chính phủ nêu ra khi yêu cầu sửa luật trong đó có việc một số quy hoạch đã được lập, thẩm định nhưng chưa được phê duyệt, nay sẽ phải làm theo trình tự của luật Quy hoạch, dẫn đến mất nhiều thời gian.

Lý do thứ hai, theo Chính phủ, là quy định của luật hiện hành không cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ, dẫn đến không bảo đảm sự linh hoạt trong quá trình điều hành của các địa phương.

Thêm nữa, kể từ thời điểm luật Quy hoạch có hiệu lực, quy định có liên quan đến các quy hoạch tại các luật chuyên ngành cũng đồng thời hết hiệu lực, khiến không còn căn cứ pháp lý để thực hiện các quy hoạch này.

Vì thế, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết để hướng dẫn chuyển tiếp, không hồi tố quy định với các quy hoạch đã thẩm định trước và cho kéo dài thời hạn áp dụng quy hoạch được quy định tại các luật chuyên ngành.

Ảnh minh họa

Có mặt tại phiên họp, đại diện một số địa phương có mặt tại phiên họp như TP.HCM, Bình Thuận, Quảng Bình, Quảng Ninh đều kêu ca sự vướng của luật và đề nghị có giải pháp tháo gỡ.

Ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận chia sẻ, trước đây tỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến titan trên diện tích 20.000 ha, nay muốn điều chỉnh chỉ còn 5.000 - 6.000 ha cho titan thôi, còn lại chuyển sang phát triển du lịch, làm điện gió, điện mặt trời, nhưng không thể điều chỉnh được.

“Chúng tôi chờ 2, 3 năm nay.Thủ tướng, Phó thủ tướng đã chỉ đạo, các bộ đã xúc tiến, nhưng vướng luật. Khoảng chồng lấn, giao thời này chúng ta chưa giải quyết được, đề nghị phải có nghị quyết tháo gỡ”, ông Cảnh thông tin.

Còn Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Phương Hoa thì phản ánh khi triển khai thực tế mới thấy vướng. “Chúng tôi trực tiếp làm chúng tôi mới lo” – bà Hoa phàn nàn.

Phân tích kỹ hơn, bà Hoa cho biết, luật quy định các quy hoạch dưới phải tuân thủ quy hoạch tổng thể quốc gia, mà quy hoạch tổng thể quốc gia lại chưa được xây dựng thì lấy đâu ra căn cứ để xây dựng kế hoạch sử dụng đất quốc gia?

Cũng theo Thứ trưởng Hoa, hiện có 5 địa phương chưa phê duyệt được quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Nếu dừng lại thì 5 tỉnh này từ giờ đến 2020 “không thu hồi đất, không giao đất, không làm gì được cả”.

Hồi sinh những điều khoản “đã chết”?

Không đồng ý với việc thông qua Nghị quyết, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh cho rằng, việc đồng ý với nghị quyết đồng nghĩa việc đình chỉ không thực hiện luật Quy hoạch nữa và làm hồi sinh những điều khoản “đã chết”, đã được Quốc hội sửa đổi.

Lý giải nguyên nhân vướng mắc, ông Sinh chỉ ra là do Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn chậm. Luật đã được ban hành từ 2017, nhưng đến tháng 5/2019 mới có nghị định hướng dẫn.

Một điểm “kẹt” nữa được ông Sinh chỉ ra là do hồ sơ dự án chưa đủ thuyết phục khi mới có ý kiến của 5/47 bộ, ngành Trung ương. 63 tỉnh thành, các DN, các hiệp hội đều không có ý kiến.

“Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ làm chậm. Tôi cho rằng Chính phủ phải nhận trách nhiệm trước Quốc hội về chậm trễ này” - ông Sinh kiên quyết.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp Trần Hồng Nguyên lưu ý, cần đánh giá rõ vướng do quy định nào của luật, hay do quá trình tổ chức thực hiện chưa đúng.

“Chúng ta mới ban hành luật - phải dành rất nhiều thời gian để xây dựng, sau đó lại sửa rất nhiều các luật liên quan, thời gian đồng bộ tất cả mới có 5 tháng, tài liệu của Chính phủ chưa đánh giá chi tiết mà đã đề nghị sửa” – bà Nguyên băn khoăn.

Theo nữ đại biểu, nếu đọc kỹ luật thì các điều Chính phủ đề nghị sửa thì thấy đều đã được quy định. “Nếu mới 5 tháng chúng ta đã sửa thì cử tri rất lo lắng cho khả năng xây dựng pháp luật của chúng ta” – bà Nguyên cảnh báo, đồng thời góp ý nên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định của luật để tháo gỡ vướng mắc trong thực tế.

Nguyên Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông khẳng định, khi xây dựng dự án luật ban soạn thảo đã có dự thảo nghị định. “Thử hình dung là nếu nghị định đó ban hành kịp thời, chứ không phải sau tới 17 tháng, mất tới 13 cuộc họp thì đã không vướng” - ông Đông nhìn nhận.

Ông Đông đồng tình rằng, “đã thông qua luật rồi mà bằng một nghị quyết này phủ nhận tất cả là không được”.

“Tôi đến đây không phải với tâm thế tự vệ, bảo vệ cái đúng của quá khứ. Tôi thực sự muốn lắng nghe, nếu sai thì mình phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, sau khi nghe thì tôi sợ rằng có đồng chí hiểu chưa đúng, chỉ 5 bộ; 4 - 5 tỉnh có vướng mắc, mà ở những dự án, lĩnh vực rất cụ thể, chỉ có mấy dẫn chứng về khoáng sản, điện gió, mặt trời... thì có phải do luật không, phải phân tích kỹ” – nguyên Thứ trưởng nói thêm.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng phải “thống nhất là phải hành động” để tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên, “hành động” bằng một nghị quyết của Quốc hội như Chính phủ trình hay với giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khuyến nghị thì Ủy ban Kinh tế sẽ cùng với Thường trực Ủy ban Pháp luật làm rõ trong tờ trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày mai.

“Phải nói rõ với nhau, có lẽ các cơ quan tham mưu của Chính phủ chưa nắm chắc tinh thần của luật dẫn đến khó khăn chồng khó khăn và phải đưa ra cuộc họp này” – ông Kiên nêu quan điểm và góp ý Chính phủ là hồ sơ trình ra còn sơ sài, thiếu sở cứ pháp lý để đại biểu Quốc hội yên tâm bấm nút.

Bình luận (0)

Lên đầu trang