(CATP) Báo Công an TPHCM ra ngày 8-4-2020 có bài "Công ty UNC bị tố lừa đảo xuất khẩu lao động". Ngay sau khi báo đăng, có thêm nhiều nạn nhân bị UNC (Công ty TNHH Universal Network Connection; địa chỉ 76A Lê Lai, P. Bến Thành, Q1, TPHCM) "ăn" tiền cọc đã cung cấp thêm thông tin mới cho phóng viên. Theo đó, UNC có biểu hiện lách luật qua mặt cơ quan chức năng để đưa người đi lao động "chui".
THÊM NHIỀU NẠN NHÂN TỐ VÀ KHỞI KIÊN UNC
Cũng với chiêu "bánh vẽ" tìm việc tốt để định cư ở trời Tây, Công ty TNHH UNC đã qua mặt hàng loạt khách hàng để "ăn" tiền cọc. Tuy nhiên, UNC "nuốt không trôi" khi nạn nhân đưa đơn khởi kiện ra tòa. Trường hợp này là của ông Vũ Hải Hưng (435/8 Thống Nhất, P11Q.Gò Vấp, TPHCM). "Tôi kiện UNC vì không thực hiện đúng cam kết hợp đồng đã ký kết với tôi. Tôi yêu cầu Công ty UNC phải hoàn trả tất cả khoản phí mà tôi đã đóng là 12.000USD", ông Hưng cho biết.
Theo đó, ông Vũ Hải Hưng và Công ty UNC có ký Hợp đồng dịch vụ xin thị thực Canada. Sau nhiều lần cho ông Hưng "leo cây", đến đầu tháng 1-2020 (sau 10 tháng), Công ty UNC sắp xếp cho ông một cuộc phỏng vấn với nhà tuyển dụng thứ 2. Sau đó, ông Hưng nhận được thông báo từ mail của UNC là cuộc phỏng vấn thất bại. "Kể từ sau đó tôi đã gởi email yêu cầu Công ty UNC trả lời về vấn đề hoàn phí khi tôi yêu cầu tạm dừng hợp đồng. Công ty UNC thông báo qua email là chỉ hoàn trả cho tôi 87.200.000 đồng (chưa bằng 1/3 số tiền đã nộp). Tôi không chấp thuận điều này và khởi kiện ra tòa án TPHCM. Do mùa dịch nên tôi nộp đơn qua bưu điện từ ngày 17-3. Tôi gọi điện lên tòa thì có người cho biết đã nhận được đơn", ông Hưng cho biết.
Tương tự chị Đ.H (TPHCM) được UNC "hứa hẹn" tìm cho mình một công việc phục vụ tại Canada. Sau khi ký hợp đồng "tư vấn quản lý hồ sơ", chị H. đã đóng hơn 200 triệu cho UNC. Tuy nhiên, gần nửa năm sau chị H. chỉ nhận được những phản hồi hết sức mơ hồ từ doanh nghiệp này.
Trao đổi với phóng viên, chị H. bức xúc: "Hợp đồng ký với tôi từ tháng 9-2019 nhưng đến đầu năm 2020 tôi mới nhận thông tin về công việc. Thông tin việc lại hết sức mơ hồ, tôi có đề nghị họ cung cấp rõ thông tin về công việc, nhà tuyển dụng... thì UNC lại có ý che giấu không chịu cung cấp. Họ nói rằng, đã tìm cho tôi một công việc tốt và đề nghị tôi tiếp tục đóng tiền theo thỏa thuận, vì quá tin tưởng, tôi đã đóng tiền lần nữa thì mọi chuyện bắt đầu vở lỡ... Họ bắt đầu ngừng liên lạc, tìm cách tránh né".
Trong hợp đồng "tư vấn quản lý hồ sơ" mà UNC ký kết với khách hàng nhằm "lách luật" đưa người đi lao động sang Canada. Đúng ra, UNC có trách nhiệm cung cấp các thông tin chính xác, rõ ràng từ nhà tuyển dụng, hướng dẫn các thủ tục xin giấy phép lao động, tìm kiếm nhà tuyển dụng, sắp xếp lịch phỏng vấn... Tuy nhiên, trên thực tế các thông tin về nhà tuyển dụng hầu hết đều bị UNC giấu giếm, bản mô tả công việc thì không rõ ràng, bôi xóa... Bên cạnh đó UNC đã cố tình đưa những người ký hợp đồng vào "mê hồn trận" bằng những điều khoản rối rắm trong hợp đồng, từ đó dễ dàng "ăn chặn" tiền cọc của họ khi hợp đồng "đổ bể".
Cùng chung thảm cảnh, chị N.N (H.Hóc Môn) cũng bị UNC "rỉa" tiền cọc sau khi đóng 20.000USD: "Họ cố tình để tôi từ chối công việc mà họ đưa ra rồi trừ 30% số tiền cọc đã đóng. Khi tôi không đồng ý thì UNC đề nghị tiếp sẽ tìm một công việc khác, rồi sau khi sắp xếp "nhà tuyển dụng" phỏng vấn tôi "không thành công" thì họ tiếp tục "ăn chặn" thêm 20% giá trị hợp đồng. Đến giờ tôi cũng không hiểu "nhà tuyển dụng" mà họ đưa ra phỏng vấn tôi tại Việt Nam này là thiệt hay giả nữa vì UNC ngăn chặn không cho tôi tiếp xúc với họ".
Theo tìm hiểu của phóng viên, số nạn nhân của UNC vẫn chưa dừng lại ở đó.
Website Công ty UNC quảng cáo làm cả ngành nghề không được cấp phép
CƠ QUAN CHỨC NĂNG NÓI GÌ?
Lách pháp luật bằng ký hợp đồng "tư vấn quản lý hồ sơ", nhưng Công ty UNC lại vẽ vời cho "con mồi" của mình thấy tương lai là họ sẽ được đưa đi làm việc tại Canada và có suất định cư cho cả gia đình. Trước uy tín là công ty đa quốc gia, hàng loạt nạn nhân đã bị sập bẫy khi đặt cọc. Công việc "ngàn đô" chưa thấy đâu nhưng trước mắt các nạn nhân là đống nợ khi UNC lộ "ăn" tiền cọc của họ khi hợp đồng "đổ bể". Trên website của mình, Công ty UNC "nổ" có các hoạt động kinh doanh sau: dịch vụ tư vấn di trú, định cư; đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài; tư vấn du học.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Anh Thắng - Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tại TPHCM - khẳng định: "Qua kiểm tra, Công ty UNC không được Bộ cấp phép đưa người đi lao động ở Canada. Mặt khác, trong các hình thức đưa người lao động làm việc nước ngoài không có hình thức liên kết định cư. UNC làm việc kiểu đó là đang "lách luật" và đồng nghĩa khái niệm làm "hợp đồng tư vấn cho khách hàng" như "hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài".
Như vậy, với cách "lách luật" này, UNC có biểu hiện lừa dối khách hàng, tạo cho họ một niềm tin rằng, công ty này sẽ đứng ra lo mọi thủ tục, hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ để lo việc và định cư ở Canada. Khi không có việc, theo các điều khoản hợp đồng, UNC thẳng tay lấy tiền cọc của khách hàng không thương tiếc.
Theo luật sư Nguyễn Xuân Quang (Công ty Luật TNHH Một thành viên Legad, Đoàn Luật sư TPHCM): "Doanh nghiệp hành nghề dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài phải được Bộ LĐ-TB-XH cấp "Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài".Theo đó, doanh nghiệp và người lao động phải làm hợp đồng "Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài" và phải được lập theo mẫu quy định tại Thông tư số 22/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15-10-2013 của Bộ LĐ-TB-XH.
Đối với dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài và tư vấn di trú, định cư Công ty UNC đã vi phạm điều cấm của pháp luật khi kinh doanh ngành nghề chưa đăng ký, không đáp ứng các yêu cầu của pháp luật; các hợp đồng Công ty UNC với khách hàng vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Xét về hành vi, Công ty UNC đã có dấu hiệu thực hiện các thủ đoạn gian dối, đưa ra các cam kết, hứa hẹn làm cho các khách hàng của mình tin tưởng để giao kết hợp đồng và giao tiền. Hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015".
Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cung cấp cho Báo Công an TPHCM, Công ty UNC chỉ được cấp phép hoạt động kinh doanh hai ngành: dịch vụ tư vấn du học và tư vấn đầu tư (trừ tư vấn tài chính, kế toán).
(CATP) Bằng sự "hứa hẹn trái ngọt" cho các nạn nhân có công việc tốt ở nước ngoài, Công ty TNHH Universal Network Connection (UNC, địa chỉ 76A Lê Lai, P. Bến Thành, Q1, TPHCM) đã khiến nhiều người "nếm trái đắng".