Điều tra theo thư bạn đọc:

Công ty UNC bị tố "lừa đảo xuất khẩu lao động"

Thứ Tư, 08/04/2020 13:11  | Hồng Cường

|

(CATP) Bằng sự "hứa hẹn trái ngọt" cho các nạn nhân có công việc tốt ở nước ngoài, Công ty TNHH Universal Network Connection (UNC, địa chỉ 76A Lê Lai, P. Bến Thành, Q1, TPHCM) đã khiến nhiều người "nếm trái đắng".

CHE GIẤU NỘI DUNG TUYỂN DỤNG, NGƯỜI LAO ĐỘNG "SẬP BẪY"

Cầm chồng đơn tố cáo, anh V.T.C (ngụ TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) không giấu bức xúc cho biết bị Công ty UNC "chơi chiêu" để "lượm" tiền cọc môi giới lao động nước ngoài của mình.

Theo đó, ngày 4-7-2019, anh C ký hợp đồng dịch vụ tư vấn chương trình thí điểm định cư Đại Tây Dương. Sau đó, anh đã nộp 466 triệu đồng cho một công việc "hứa hẹn" tại Canada. Sau khi hoàn thiện mọi yêu cầu hồ sơ đặt ra từ UNC, 3 tháng sau, anh có nhận được thông báo của công ty này về việc tìm được cho anh một công việc "thợ sơn công nghiệp". Trong thông báo này, UNC "gài" luôn một câu chốt "nếu thấy phù hợp với vị trí này thì anh C phải xác nhận để họ triển khai hồ sơ". Do thấy công việc không phù hợp với chuyên môn, kinh nghiệm... anh liền từ chối và đề nghị UNC tìm việc khác phù hợp với những thông tin mà anh đã gửi ban đầu. UNC liền giữ lại 30% tiền anh đã đóng bằng thông báo "anh C sẽ không nhận đủ 100% tiền đã đưa vì từ chối cơ hội làm việc mà UNC đã cung cấp"?

Rất bức xúc, anh C cho biết: "Tôi đã ghi rõ năng lực, công việc mong muốn gửi cho họ ngay từ đầu, thế mà họ vẫn cố tình đưa ra công việc không phù hợp, từ đó họ kiếm cớ để "chặn" % tiền đặt cọc của tôi. Họ gửi cho tôi bản yêu cầu của nhà tuyển dụng bên Canada, nhưng cố tình "che đi" những yêu cầu của họ đưa ra là phải có kinh nghiệm làm việc, có chuyên môn. Để vừa lòng bên kia, họ đã chỉnh sửa hồ sơ của tôi "cho đẹp". Khi biết tôi không đồng ý thì UNC liền trở mặt".

Vì phát hiện cách làm gian dối khách hàng của UNC, anh C liền đề nghị thanh lý hợp đồng vì công ty đã vi phạm cam kết. "Sau nhiều lần nhân viên họ ngăn cản không cho tôi gặp giám đốc để làm rõ, luật sư Đặng Kim Ngân Hà (đại diện pháp lý) của Công ty UNC đã thông báo không trả lại tiền cho tôi vì đã... từ chối cơ hội làm việc mà họ vẽ ra cho có" - anh C cho biết thêm.

Phóng viên đến trụ sở UNC tìm hiểu và bị từ chối tiếp xúc.

VỠ MỘNG ĐỊNH CƯ VÌ UNC "CHƠI CHIÊU"

Cũng chung cảnh ngộ là chị H.T.A (ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội). Chị đã nhẹ dạ "rót vào" UNC gần 30.000USD do "lời hứa" một suất công việc và định cư cả gia đình tại Canada. Tuy nhiên, cũng bằng "chiêu" như trên, UNC đã buộc chị phải từ chối công việc và "hưởng" % tiền đặt cọc. "Tôi thấy vô lý nên làm căng nhưng cũng mất 90 triệu đồng. Công ty UNC này làm ăn hết sức mập mờ, nhiều người phải "ngậm bồ hòn" làm ngọt vì đã trót đóng tiền", chị A bức xúc cho biết.

Cũng giống như những trường hợp trên, anh H.B.N (SN 1988, ngụ Q.Tân Bình, TPHCM) cho biết: " Tôi mất hết 30% tiền cọc do "dính quả" từ UNC. Tôi bỏ ra hơn 20.000USD cho một công việc "hứa hẹn" tại trời Tây cùng suất định cư cho cả gia đình. Nhưng UNC đã "gài" tôi bằng những công việc không phù hợp nên tôi phải từ chối. Tôi đành phải ngậm ngùi chấp nhận, lấy lại được đồng nào hay đồng đó thôi".

Được biết, Công ty UNC thành lập năm 2009 chuyên về di trú, định cư, có tới 6 chi nhánh tại các nước, riêng chi nhánh UNC tại Việt Nam do một người Hàn Quốc tên Woo Kyung Soo là CEO. UNC có 2 văn phòng đại diện.

Để tìm hiểu thêm về vụ việc, phóng viên (PV) Báo CATP đã trực tiếp tới Văn phòng Công ty UNC tại TPHCM liên hệ với lãnh đạo để trao đổi. Luật sư Đặng Kim Ngân Hà (đại diện pháp lý UNC) đã nạt nộ, yêu cầu PV ra ngoài, không tiếp vì... đang trong mùa dịch corona? Qua điện thoại, PV cũng đã liên lạc với ông Jake Jang (quản lý UNC TPHCM) đề nghị được hẹn làm việc, nhưng ông Jang lại "im lặng".

Qua trang web quảng cáo thì UNC thể hiện là một công ty đa quốc gia, lấy uy tín khẳng định thương hiệu, đẳng cấp trong ngành dịch vụ định cư, di trú, du học... Tuy nhiên, chính những việc trên đã khiến dư luận đặt nhiều dấu chấm hỏi. Cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để làm rõ sự việc.

Được biết, hiện nhiều nạn nhân của UNC đã được gửi đơn đến các cơ quan chức năng cầu cứu. "Tôi đã nộp đơn tố cáo lên Công an Q.1, TPHCM. Ngày 1-4, Công an quận 1 đã mời tôi lên cung cấp thêm thông tin hỗ trợ điều tra", anh C cho biết thêm. Trao đổi với PV, một điều tra viên (Công an quận 1) xác nhận đã thụ lý đơn tố cáo của anh C và đang xác minh, mở rộng điều tra.

Báo Công an TPHCM sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Ngày 16-3-2020, Công ty TNHH Universal Network Connection (viết tắt là UNC, địa chỉ tại tầng 8, tòa nhà AB, 76A Lê Lai, P.Bến Thành, Q1, TPHCM; do ông Woo Kyung Soo là người đại diện theo pháp luật, đồng thời là chủ doanh nghiệp này) có công văn gửi Công an TPHCM, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Công an TPHCM, Báo Công an TPHCM, phản ánh về "Hành vi phóng viên Nguyễn Hồng Cường/ số thẻ IBD90081 tới quấy rối doanh nghiệp". Công ty này còn gửi kèm một hồ sơ gồm các tin nhắn để chứng minh rằng phóng viên Hồng Cường đã "quấy rối" doanh nghiệp.

Sau khi xác minh, ngày 30-3-2020, Ban biên tập (BBT) Báo Công an TPHCM đã có Công văn số 26/CV-BCATP phản hồi UNC, với các nội dung sau:

- Anh Nguyễn Hồng Cường là phóng viên của Báo Công an TPHCM, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ nhà báo. Việc phóng viên Nguyễn Hồng Cường đến làm việc với UNC, xác minh theo đơn tố cáo của bạn đọc đã được BBT Báo Công an TPHCM cho phép, ký giấy giới thiệu. Đây là hoạt động tác nghiệp bình thường theo Luật Báo chí của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Về nội dung những tin nhắn qua lại giữa luật sư Đặng Kim Ngân Hà và chủ số điện thoại 0901498115 (tự xưng là phóng viên Báo Công an TPHCM, đưa ra các lời lẽ "quấy rối" doanh nghiệp): BBT Báo Công an TPHCM xác định, số điện thoại này không phải là số điện thoại của phóng viên Nguyễn Hồng Cường.

- Báo Công an TPHCM yêu cầu UNC chứng minh hành vi "quấy rối" doanh nghiệp của phóng viên Nguyễn Hồng Cường.

Ngày 6-4-2020, UNC có Công văn số 01/ UNC-PHBCATP phản hồi Báo Công an TPHCM (gồm tài liệu là các tin nhắn qua lại và một file ghi âm cuộc gọi rất ngắn của một người tự xưng là phóng viên của Báo Công an TPHCM). Sau khi kiểm tra kỹ, một lần nữa BBT Báo Công an TPHCM xác định, nội dung tin nhắn từ số máy 0901498115 không phải của phóng viên Báo Công an TPHCM. Nội dung trao đổi ngắn giữa luật sư Đặng Kim Ngân Hà và giọng nam kia cũng không phải là giọng nói của phóng viên Nguyễn Hồng Cường. Ngoài ra, Báo Công an TPHCM không có cộng tác viên nào như vậy.

Như vậy, UNC đã cố tình vu khống, xúc phạm phóng viên của Báo Công an TPHCM khi cho rằng hoạt động tác nghiệp báo chí bình thường theo Luật Báo chí là "quấy rối" doanh nghiệp, mà không hề cung cấp được chứng cứ cụ thể nào đối với phóng viên Nguyễn Hồng Cường.

BÁO CÔNG AN TPHCM

Bình luận (0)

Lên đầu trang