(CAO) Vụ kiện giữa đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Vinasun và Grab kéo dài sang đến ngày xét xử thứ 4 nhưng vẫn chưa kết thúc. Đáng nói, diễn biến của phiên tòa đang ngày càng gay cấn.
Theo đó, Vinasun kiện Grab vì cho rằng Grab đã có hành vi kinh doanh không lành mạnh khiến công ty này bị sụt giảm lợi nhuận trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Vinasun yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với số tiền hơn 41,2 tỷ đồng và trả một lần.
Những tranh cãi chưa có hồi kết giữa Vinasun và grab
Tại tòa, ông Jerry Lim – CEO của Grab Việt Nam nói: "Không nơi nào trên thế giới, người ta lại đi kiện đối thủ của mình vì bản thân họ ko chịu đổi mới mà lại đi kiện đối thủ".
Tuy nhiên, diễn biến phiên tòa cho thấy có lẽ đây không phải là mục đích khởi kiện chính của Vinasun. Mục đích chính của doanh nghiệp này dường như muốn các cơ quan chức năng định danh các ứng dụng đặt xe công nghệ là các công ty taxi.
Chính vì những mục tiêu “sâu xa” nên diễn biến phiên tòa về vụ kiện giữa Vinasun với Grab cũng diễn biến ngày càng gay cấn. Thay vì chứng minh cho con số thiệt hại đòi bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng do Grab gây ra cho Vinasun theo đơn khởi kiện, thì phiên tòa lại chủ yếu xoáy sâu vào các vấn đề khác.
Vinasun liên tiếp cáo buộc Grab là công ty vận tải taxi
Hàng loạt những vấn đề của hai bên được phơi bày ra giữa phiên tòa như việc vẫn phải xem Grab là công ty kinh doanh taxi hay công ty công nghệ? Grab có vi phạm đề án thí điểm hoạt động xe hợp đồng điện tử (Đề án 24) của Bộ GTVT hay không và có những hoạt động trốn thuế hoặc cạnh tranh không lành mạnh hay không?...
Vinasun thì liên tiếp cáo buộc, còn Grab thì luôn phủ nhận. Còn các cơ quan chức năng trực tiếp quản lý như Bộ GTVT, Cục Quản lý cạnh tranh của bộ Công thương, Bộ Tài Chính… lại không được mời tham dự phiên tòa để cho ý kiến.
Grab phủ nhận mọi cáo buộc và cho rằng mình là công ty công nghệ
Kể cả việc giám định thiệt hại của Vinasun do công ty Cửu Long đưa ra, đại diện Viện Kiểm sát cũng chỉ ra rằng, nếu chỉ tính đơn thuần dựa trên giá trị cổ phiếu và số lượng xe trong 1 ngày cụ thể (ngày 30-6-2017) để từ đó tính ra con số cho cả 18 tháng vì giá cổ phiếu và số lượng xe đều thay đổi theo từng ngày liệu có chính xác (!?).
Thậm chí, như chuyên gia Gran Thornton đã chỉ ra, nếu áp dụng cùng công thức của công ty Cửu Long áp dụng và lấy số liệu của ngày 31-12-2016, Vinasun đã lãi hơn 700 tỉ đồng nên không thể đổ lỗi cho Grab.
Thế nhưng, vắng đơn vị thực hiện việc giám định tại phiên xét xử nên những tranh luận và nghi ngờ bị bỏ ngỏ. Việc hoãn tòa để triệu tập đơn vị giám định và xin thuê một đơn vị giám định độc lập khác để giám định lại theo yêu cầu của phía Grab cũng đã bị tòa án bác bỏ khi cho biết chỉ có Viện trưởng Viện kiểm sát Tối cao, hoặc Chánh án tòa án Tối cao mới có quyền quyết định cho giám định lại hay không.
Phán quyết của vụ kiện này là hết sức quan trọng trong việc quyết định các doanh nghiệp taxi truyền thống và công nghệ có thể cùng tồn tại song song? Mọi phán quyết đang ở phía trước nhưng cái mà người tiêu dùng mong mỏi nhất chính là tất cả doanh nghiệp đều phải cùng nhau cải tiến chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn, mang đến nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng.