CEO của Grab:

"Nói Grab là taxi chẳng khác nào coi ví điện tử là kinh doanh ngân hàng"

Thứ Bảy, 20/10/2018 04:48

|

(CAO) Sau 3 ngày xét xử, phiên tòa giữa nguyên đơn Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab) bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hớn 41,2 tỷ đồng vẫn chưa thể đi đến hồi kết.

Trong khi Vinasun liên tục cáo buộc đề nghị tòa xem xét Grab là loại hình kinh doanh vận tải taxi thì Grab tiếp tục khẳng định mình chỉ là một công ty công nghệ cung cấp phần mềm.

Doanh thu Vinasun sụt giảm là do Grab?

Tại phiên tòa ngày 19-10, Grab tiếp tục chỉ ra các báo nghiên cứu thị trường do Vinasun thuê hai Công ty TNHH MTV TM-DV Cửa Sổ, Công ty nghiên cứu Thị trường – Quảng cáo NBQ thực hiện trước đây và cả báo cáo giám định thiệt hại do Công ty Cổ phần Giám định Cửu Long (gọi tắt là Cửu Long) thực hiện đều chứa đựng những thiếu sót cơ bản và không thể sử dụng để làm cơ sở pháp lý khẳng định các thiệt hại của Vinasun là do hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam gây ra.

Vinasun cáo buộc hoạt động của Grab gây thiệt hại to lớn cho mình

Ông Jerry Lim – CEO của Grab Việt Nam khẳng định không đồng ý với kết luận giám định của công ty Cửu Long và đề nghị cần phải hoãn phiên tòa để triệu tập người giám định tham gia đối chất. Hoặc nếu buộc phải sử dụng kết quả giám định của công ty Cửu Long thì cần phải tiến hành giám định bổ sung thêm.

Tuy nhiên, đại diện của Vinasun lại cho rằng Grab cần phải tôn trọng kết quả giám định. Theo Vinasun, Grab đã trực tiếp kinh doanh vận tải taxi gây nên những thiệt hại to lớn đối với doanh nghiệp này.

“Trước khi có sự xuất hiện của Grab, doanh thu của công ty tăng trưởng tốt. Đến năm 2015-2016, Grab tác động thị trường ở TP. HCM nên công ty bị thiệt hại dù vẫn nỗ lực đảm bảo hiệu quả kinh doanh”, đại diện Vinasun phát biểu trước tòa.

Tuy nhiên, khi Viện kiểm sát chất vấn các báo cáo tài chính kiểm toán của Vinasun thì doanh thu năm 2015 chỉ 4.061 tỷ nhưng đến năm 2016 doanh thu lên đến 4.139 tỷ. Như vậy doanh thu vẫn tăng đều chứ không giảm thì đại diện Vinasun lại cho rằng dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm do sự xuất hiện của Grab khiến doanh nghiệp này phải tăng chi phí hoạt động.

Dù vậy, báo cáo kiểm toán của Vinasun thừa nhận rằng có những yếu tố khác làm tăng chi phí hoạt động của Vinasun và điều này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận. Những yếu tố này bao gồm khoản đầu tư vào bất động sản, mua sắm mới và bảo dưỡng xe ô tô, giá xăng tăng cũng như việc thay đổi mô hình kinh doanh mới là xe nhượng quyền để cạnh tranh tốt hơn với loại hình xe hợp đồng điện tử.

Đáng chú ý hơn, chính Vinasun công nhận rằng họ cũng là một trong những đơn vị tham gia vào Đề án thí điểm theo Quyết định 24! Theo Grab, tất cả doanh nghiệp tham gia vào đề án này, dù là công ty vận tải hay công ty công nghệ, dù là công ty trong nước hay công ty nước ngoài, đều được có cơ hội như nhau để cạnh tranh một cách công bằng. Do đó, không thể đổ lỗi cho sự sụt giảm lợi nhuận của Vinasun là do sự xuất hiện của Grab.

“Vinasun thừa nhận rằng đã cố gắng thay đổi để cạnh tranh với Grab nhưng vẫn kém hiệu quả. Thay vì cải tiến hoạt động kinh doanh, Vinasun lại tiến hành kiện Grab như một hình thức cạnh tranh và hy vọng rằng có thể sử dụng hệ thống tư pháp nhà nước nhằm giành thế chiến thắng trên thị trường”, ông Jery Lim phản bác các cáo buộc của Vinasun.

Grab là công ty công nghệ?

Trong phiên tòa ngày 19-10, Vinasun đề nghị HĐXX tuyên Grab là đơn vị kinh doanh vận tải chứ không phải là doanh nghiệp cung ứng phần mềm dịch vụ và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun hơn 41 tỉ đồng. Đại diện công ty này cũng kiến nghị bộ GTVT, Chính phủ dừng thí điểm đối với Grab do vi phạm đề án 24.

Grab tiếp tục khẳng định mình là công ty công nghệ

Tuy nhiên, ông Jerry Lim cho rằng Grab không và chưa bao giờ kinh doanh hoạt động taxi. “Nhận định Grab là công ty taxi không khác gì nhận định hoạt động ví điện tử là hoạt động kinh doanh ngân hàng”, đại diện Grab nói.

Theo đại diện của Grab, Việt Nam là một thị trường quan trọng của mình và cam kết đầu tư lâu dài. Nền tảng công nghệ của Grab đang đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày cho người dân Việt Nam, từ giao nhận thức ăn, giao nhận hàng hóa, đến thanh toán không dùng tiền mặt.

Grab cũng luôn là một doanh nghiệp có trách nhiệm tại Việt Nam qua việc tạo công ăn việc làm, thu nhập cho 175.000 đối tác tài xế và hơn 300 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải. Ngoài ra, nếu như năm 2017 đóng góp 198 tỷ đồng tiền thuế thì 9 tháng đầu năm 2018 đã đóng 270 tỉ đồng nghĩa vụ thuế. “Chúng tôi dự kiến sẽ nộp hơn 500 tỉ đồng nghĩa vụ thuế vào cuối năm tài chính 2018”, đại diện Grab cho biết.

Ông Jerry Lim - CEO của Grab Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp taxi và các công ty công nghệ có thể cùng tồn tại song song, cùng học hỏi lẫn nhau để phát triển và góp phần giải quyết những thách thức to lớn trong lĩnh vực giao thông vận tải. “Chúng tôi hy vọng rằng Vinasun nên tập trung vào việc đổi mới, cải tiến hoạt động kinh doanh của mình thay vì theo đuổi những vụ kiện vô nghĩa chống lại các đối thủ của mình”, ông Jerry Lim nói.

Dự kiến phiên tòa sẽ được tiếp tục vào ngày 22-10.

Bình luận (0)

Lên đầu trang