(CAO) Từ một vụ kiện tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do Vinasun cáo buộc Grab khiến mình bị sụt giảm lợi nhuận, phiên tòa giữa hai doanh nghiệp này đang bị đẩy đi quá xa nội dung khởi kiện với nhiều quan ngại không chỉ trong giới doanh nhân mà còn cả giới luật sư.
Ngày 17-10, TAND TP.HCM đưa vụ kiện Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) yêu cầu Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab) “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” ra xét xử. Đây là phiên xét xử lần thứ 4 của phiên toà sơ thẩm, sau một lần tạm ngừng ngày 7-2-2018; một lần tạm đình chỉ ngày 7-3-2018 và một lần hoãn phiên toà ngày 24-9-2018.
Vụ kiện giữa Vinasun và Grab ngày càng bị đẩy lên cao
Theo đó, Vinasun khởi kiện GrabTaxi với nội dung đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41,2 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Hình thức mà Vinasun yêu cầu Grab thực hiện là bồi thường một lần.
Trong khi phía Grab cho rằng chỉ thực hiện theo đề án thí điểm của Bộ GTVT và vi phạm (nếu có) thuộc về thẩm quyền xử lý của cơ quan chức năng, cũng như không phải là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm.
Tuy nhiên, theo dõi diễn biến phiên tòa trong ngày 17-10, điều dễ nhận thấy là vụ kiện đang bị đẩy đi quá xa khỏi những nội dung khởi kiện ban đầu. Ngay trong phiên xử buổi sáng, luật sư đại diện của Grab đã cho biết trong đơn khởi kiện Vinasun chỉ đơn thuần đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, không yêu cầu tòa án xem xét bản chất hoạt động kinh doanh của Grab, không đề nghị tòa đưa ra kiến nghị về việc cơ quan chức năng cần phải quản lý các hoạt động của Grab và đề nghị sửa đổi, bổ sung quyết định 24 của Bộ GTVT về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (Đề án 24).
Thế nhưng, phần tranh luận của luật sư đại diện của Vinasun chất vấn Grab lại đang cố tình hướng phiên tòa đến mục tiêu xem xét lại hoạt động xe hợp đồng điện tử theo Đề án 24 - một đề án thí điểm đã được Chính phủ cấp phép, chấp thuận và mới được gia hạn.
Vụ kiện giữa Vinasun và Grab đại diện cho xu hướng truyền thống và công nghệ
Tại phiên tòa, Vinasun cũng không dấu mục tiêu của mình trong việc khởi kiện Grab không phải chỉ để bảo vệ quyền lợi của mình mà mong muốn dùng quyết định của Toà án để đem lại môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp cũng như thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.
Cách tiếp cận này đang khiến cả giới luật sư lẫn doanh nhân bày tỏ nhiều quan ngại bởi bản chất ban đầu của vụ kiện giữa Vinasun với Grab là một tranh chấp dân sự về kinh tế. Tuy nhiên, vụ kiện sau đó lại đang bị lái sang xem xét những vấn đề thuộc về khuôn khổ của một vụ kiện… hành chính.
Nếu kết quả cuối cùng lại trở thành cơ hội để tòa án tham gia vào việc xác định khung pháp lý cho xe hợp đồng điện tử, vốn là quyền hành pháp thuộc các cơ quan Chính phủ có liên quan, phiên tòa này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu để nhiều công ty theo đuổi việc kiện tụng nhằm ngăn chặn sự tiếp nhận và phát triển cái mới.
Grab cho rằng Vinasun đang quá tò mò về các hoạt động kinh doanh của mình
Ngoài ra, Vinasun kiện Grab để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhưng trong phần chất vấn tại phiên tòa lại đặt ra rất nhiều nội dung không liên quan đến vụ kiện như chính sách bảo mật dữ liệu, vấn đề quản trị doanh nghiệp qua việc ký kết hợp đồng với đối tác, cách Grab hoạt động như một nền tảng công nghệ kết nối các hợp tác xã, đối tác tài xế và khách hàng…
“Đây là những vấn đề hoàn toàn không liên quan đến thiệt hại mà Vinasun cáo buộc Grab đã gây ra. Đó là những vấn đề thuộc về bí mật kinh doanh của chúng tôi. Rõ ràng phía Vinasun đặc biệt tò mò về hoạt động kinh doanh của Grab. Chúng tôi rất mong tòa xem xét đến tầm quan trọng của bảo mật kinh doanh và không cho phép những thông tin này được sử dụng như một công cụ để tiết lộ bí mật thương mại mà không xem xét, xác minh về sự liên quan giữa các câu hỏi và vụ việc đang xét xử”, ông Jerry Lim - CEO của Grab tại Việt Nam nói.
Vấn đề này cũng được rất nhiều luật sư và giới doanh nghiệp bày tỏ quan ngại bởi sẽ tạo ra những tiền lệ không tốt khi các doanh nghiệp muốn biết bí mật kinh doanh của nhau cứ việc khởi kiện ra tòa. Từ đó, đối thủ buộc phải trình bày tất cả nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh trước công chúng.