Sự quyết định sòng phẳng của thị trường

Thứ Ba, 16/10/2018 13:55

|

(CAO) Theo dự kiến vụ kiện “yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab) sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 17-10, sau nhiều lần bị hoãn.

Đây là vụ kiện kéo dài đến hơn 7 tháng nay sau nhiều lần hoãn và đình chỉ. Theo đó, Vinasun khởi kiện GrabTaxi với nội dung đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Hình thức mà Vinasun yêu cầu GrabTaxi thực hiện là bồi thường một lần.

Vinasun cho rằng Grab đã khiến 8.000 lao động của công ty này mất việc làm cũng như hàng trăm xe phải ngưng hoạt động. Trong khi đó, phía Grab cho rằng yêu cầu khởi kiện của Vinasun là không có cơ sở, đề nghị HĐXX bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hoặc đình chỉ vụ án.

Trong vụ kiện này, bên nào cũng đều có những lý lẽ riêng của mình nhưng có điểm chung khi đây là cuộc chiến đại diện cho hai xu hướng truyền thống và công nghệ. Trong đó, Vinasun đại diện cho các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống lâu nay. Còn Grab đại diện cho mô hình gọi xe xe công nghệ đang phát triển bùng nổ trong thời gian gần đây.

Chưa biết kết quả vụ kiện này sẽ đi đến đâu nhưng dưới góc độ của người tiêu dùng, Luật gia Phan Thị Việt Thu - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM cho rằng sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe công nghệ như Grab đã mang đến những giải pháp kết nối di chuyển tiện lợi, tiết kiệm giá cước cho người dùng.

Tài xế taxi Vinasun kéo đến TAND TP.HCM trong phiên xử giữa Taxi Vinasun và Grab (bị hoãn) mới đây

Không chỉ vậy, Grab cũng đã tạo ra cơ hội việc làm cho hàng chục ngàn đối tác là tài xế, giúp tăng hiệu quả quản lý dịch vụ giao thông cho hàng trăm HTX vận tải. Ngoài ra, mô hình này còn được xem là cú hích cho sự đổi mới của các mô hình truyền thống, mà điều ghi nhận được là những thay đổi đầy tích cực của các công ty taxi truyền thống.

Từ ngày có Grab, các hãng taxi không còn “ngủ quên”, chủ động có nhiều biến chuyển, cải tiến hơn như tạo “app” gọi xe, chú trọng hơn vào thay đổi phong thái phục vụ với chiều hướng cải thiện tốt hơn. Các hãng taxi truyền thống cũng bắt đầu ứng dụng “app gọi xe”.

Trong cơ chế thị trường, sự canh trạnh giữa các doanh nghiệp là tất yếu. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới tư duy và sáng tạo để mang lại chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Việc ứng dụng công nghệ để mang lại chất lượng dịch vụ tốt hơn cho người dân đang là xu thế. Ảnh minh họa

Sau hơn bốn năm có mặt tại thị trường Việt Nam và hai năm triển khai thí điểm mô hình gọi xe qua ứng dụng công nghệ, Grab đã có mặt tại 36 tỉnh, thành. Trong đó, Grab triển khai thí điểm mô hình xe hợp đồng điện tử với thương hiệu GrabCar tại 5 tỉnh, thành phố lớn là Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hoà, Đà Nẵng và TP.HCM.

TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) trong một phát biểu gần đây đã cho rằng Uber, Grab chỉ là hiện tượng của một xu thế, chúng ta có thể “quản” được hiện tượng chứ không thể “cản” được một xu thế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang