(CAO) Sáng 24/9, chấp nhận đề nghị hoãn phiên tòa và xin vắng mặt hợp lệ lần thứ nhất của bị đơn, Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã hoãn phiên xử vụ án “yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun (gọi tắt là Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (gọi tắt là Grab).
Phía Grab nêu lý do xin hoãn phiên tòa là do Công ty đang khiếu nại quyết định trưng cầu Công ty Cửu Long (bên giám định thiệt hại) và việc khiếu nại chưa được giải quyết dứt điểm.
Ngoài ra, Grab còn nêu báo cáo giám định thiệt hại ban hành ngày 20/8 nhưng đến ngày 11/9, Grab mới được tiếp cận và sao chụp báo cáo kèm theo các phụ lục với tổng số gần 5.000 trang tài liệu. Vì vậy, Grab mong muốn cần thời gian ít nhất 1 tháng để nghiên cứu, đánh giá các tài liệu đó.
Trước đó, sau hai ngày xét xử, ngày 7/3, Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh đã có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, chờ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Vận tải TP cung cấp một số tài liệu liên quan. Sau khi nhận được và nghiên cứu các tài liệu yêu cầu, Tòa án nhân dân TP đã mở lại phiên tòa và lại hoãn như trên.
Nhiều tài xế Taxi Vinasun tập trung ở sân tòa giơ biểu ngữ cho rằng phải coi Grab là doanh nghiệp vận tải taxi
Theo đơn khởi kiện của Vinasun, Grab hoạt động tại thị trường Việt Nam thông qua Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, tức cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải.
Tuy nhiên, Vinasun khẳng định trên thực tế, Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun. Grab tự quyết định giá cước vận chuyển; quyết định các chương trình khuyến mại về giá cước vận chuyển; nhận tiền thanh toán cước vận chuyển từ khách hàng đi taxi sử dụng thẻ dịch vụ Grab; có chế độ thưởng, phạt tài xế, kiểm soát hành vi, thái độ của tài xế với khách hàng đi taxi; mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho khách hàng đi Grab.
Theo Vinasun, điều này là không công bằng và vi phạm các quy định về kinh doanh theo pháp luật Việt Nam. Từ đó, Vinasun cho rằng Grab thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận cho Vinasun nên Vinasun khởi kiện, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỷ đồng.
Cũng theo Vinasun, trong khi việc khuyến mãi phải được đăng ký trước với cơ quan chức năng thì Grab lại khuyến mãi tràn lan. Theo Nghị định 37/2006 quy định rõ về việc khuyến mại không quá 90 ngày/năm, một chương trình không quá 40 ngày, nhưng Grab tổ chức khuyến mãi vượt quá quy định.
Kèm theo đơn khởi kiện, Vinasun cung cấp cho tòa nhiều chứng cứ cho rằng Grab kinh doanh vi phạm pháp luật tại Việt Nam gồm văn bản, hình ảnh và khoảng hơn 20 video. Vinasun cũng yêu cầu tòa buộc bị đơn phải kinh doanh dựa trên pháp luật về cạnh tranh công bằng.
Trước khi khởi kiện Grab ra tòa, Vinasun từng gửi công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét Uber và Grab là công ty kinh doanh dịch vụ taxi chứ không phải công ty công nghệ, đồng thời đề xuất sớm định danh để quản lý hai công ty này theo mô hình taxi truyền thống....
Ngoài ra, Vinasun dẫn chứng dựa trên văn bản của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, tính đến tháng 6/2017, số xe đăng ký chạy Grab là 12.913 xe, Vinasun chỉ có xấp xỉ 6.000 xe nhưng số thuế nộp ngân sách nhà nước năm 2017 của Vinasun là hơn 1.000 tỷ đồng, trong khi Grab chỉ nộp khoảng 10 tỷ đồng.
Sáng cùng ngày, rất đông tài xế và cán bộ - nhân viên của Vinasun đã đến tòa giơ biểu ngữ cho rằng phải coi Grab là doanh nghiệp vận tải taxi, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đến ủng hộ Vinasun với biểu ngữ “Hiệp hội Taxi Hà Nội ủng hộ việc Vinasun kiện Grab”.
Thời gian mở lại phiên tòa dự kiến vào ngày 17/10.