Taxi Vinasun nói gì về vụ kiện với Grab?

Thứ Tư, 17/10/2018 19:58

|

(CAO) Vinasun cho rằng việc khởi kiện Grab không phải chỉ để bảo vệ quyền lợi của mình mà mong muốn dùng quyết định của toà án để đem lại môi trường cạnh tranh công bằng.

Tối 17-10, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu Taxi Vinasun (Vinasun) đã phát đi thông cáo báo chí liên quan đến vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab).

Vinasun cho rằng muốn dùng quyết định của toà án để đem lại môi trường cạnh tranh công bằng

Vinasun cho rằng Grab đã lợi dụng việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành Quyết định 24 ngày 7-1-2016 về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (còn gọi là Đề án 24) để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường.

Theo Vinasun, Grab chỉ đăng ký cung cấp ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải, nhưng trên thực tế đơn vị này cung cấp dịch vụ vận tải và hoạt động như doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi - lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.

Ông Trương Đình Quý - Phó Tổng Giám đốc Vinasun cho rằng Grab có nhiều sai phạm

Đặc biệt, theo Vinasun, Grab còn thực hiện nhiều hành vi vi phạm trong pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận cho Vinasun. Bên cạnh đó, Grab còn vi phạm về Luật khuyến mại.

Vinasun cũng cho rằng việc coi Grab là loại hình kinh doanh taxi không kìm hãm sự phát triển của khoa học công nghệ hay đi ngược xu thế, đi ngược công nghiệp 4.0. Thực tế, dự thảo sửa đổi Nghị định 86 mới nhất của Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở hiện trạng hiện nay về hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng vận điện tử (cước chuyến đi được tính theo phần mềm đặt xe kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng) so với hoạt động của xe taxi có nhiều điểm tương đồng.

Từ đó, Bộ GTVT kiến nghị cần có quy định chung để quản lý hai loại hình này như nhau nhằm đảm bảo sự công bằng, công khai minh bạch.

Tài xế taxi Mai Linh cũng đến phiên tòa để ủng hộ các đồng nghiệp Vinasun

Bên cạnh đó, Vinasun cũng bày tỏ quan ngại trước việc Grab thừa nhận có quyền cung cấp nhân thân của khách hàng (bao gồm tên tuổi, số điện thoại, email, tài khoản ngân hàng) cho đơn vị thứ 3 nếu Grab muốn vì khách hàng đã đồng ý điều khoản Grab đưa ra khi cài đặt phần mềm gọi xe.

Vẻ mặt đầy tâm trạng của lãnh đạo Vinasun tại phiên tòa

Theo Vinasun, việc khởi kiện Grab không phải chỉ để bảo vệ quyền lợi của mình mà mong muốn dùng quyết định của Toà án để đem lại môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp cũng như thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài của đất nước và lợi ích thật sự của người tiêu dùng.

Như Báo CATP đã đưa tin, Vinasun khởi kiện GrabTaxi với nội dung đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41,2 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Hình thức mà Vinasun yêu cầu GrabTaxi thực hiện là bồi thường một lần.

Trong khi đó, phía Grab cho rằng chỉ thực hiện theo đề án thí điểm của Bộ GTVT và vi phạm (nếu có) thuộc về thẩm quyền xử lý của cơ quan chức năng, cũng như không phải là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang