(CAO) Nhiều nghi vấn về độ xác thực của báo cáo giám định thiệt hại của Vinasun nhưng do không có mặt đơn vị giám định tại tòa nên không thể trả lời được các khúc mắc trong báo cáo này.
Ngày 18-10, vụ kiện “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu taxi Vinasun (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi) bước sang ngày thứ 2 với phần đối chất rất căng thẳng giữa các bên.
Phiên tòa giữa Vinasun và Grab ngày càng "nóng" với sự đối chất nảy lửa từ hai phía
Tại tòa, đại diện Vinasun tiếp tục khẳng định, Grab vi phạm pháp luật, làm náo loạn thị trường taxi, trực tiếp gây thiệt hại cho Vinasun. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Vinasun năm 2015 là 318 tỷ đồng, nhưng năm 2016 lợi nhuận sau thuế giảm còn 295 tỷ đồng, đến 6 tháng đầu năm 2017 thì giảm gần 50% so với cùng kỳ 2016.
Trong thời gian đó, khoảng 8.000 lao động đã nghỉ việc, hàng trăm đầu xe nằm bãi, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng. Ông Trương Đình Quý - Phó Tổng Giám đốc Vinasun cho rằng có quan hệ nhân quả giữa hành vi của Grab và thiệt hại của Vinasun nên yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp này là có cơ sở.
Trong khi đó, Grab phủ nhận các cáo buộc và cho rằng hoạt động của mình tại Việt Nam luôn tuân thủ quy định và pháp luật hiện hành. Theo Quyết định 24, Grab, với vai trò là một nền tảng công nghệ, giúp kết nối các hợp tác xã/ doanh nghiệp vận tải, hành khách và đối tác tài xế.
Vinasun cho rằng Grab đã gây thiệt hại cho mình nghiêm trọng
Theo Grab, nếu có bất kỳ vi phạm nào xảy ra trong quá trình thực hiện Đề án 2 năm thí điểm theo Quyết định 24, Chính phủ Việt Nam đã không đồng ý kéo dài đề án xe hợp đồng điện tử.
Tại phiên tòa hôm nay, phía Grab cũng đã chỉ ra 3 điểm sai phạm nghiêm trọng trong chứng thư thẩm định. Thứ nhất là phương pháp tính toán xác định giá trị thiệt hại của Vinasun, Công ty Cửu Long dựa vào thay đổi hoặc sụt giảm giá trị vốn hóa thị trường của một công ty.
Theo Grab, giá trị vốn hóa thị trường của một công ty có niêm yết chứng khoán thay đổi liên tục theo ngày và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố vi mô và vĩ mô. Hoàn toàn không công bằng khi kết luận cho Grab phải chịu lỗi cho những biến động trên thị trường mà tất cả mọi công ty, bao gồm cả Vinasun, gặp phải trong thời gian qua.
Đại diện của Grab nghi ngờ về độ chính xác của chứng thư giám định
Thứ hai, việc tính chi phí phát sinh xe nằm bãi cũng rất khiên cưỡng. Đại diện của Grab cho rằng một doanh nghiệp quản lý 6.200 xe như năm 2016 vậy mà chỉ có chưa tới 2 xe nằm bãi mỗi ngày thì đó phải là hiệu suất khai thác quá tốt chứ không thể là thiệt hại!
Ngoài ra, trong báo cáo của Cửu Long cũng có những vấn đề về số liệu như liên quan đến số lượng xe của Vinasun thể hiện trên báo cáo và số lượng xe đăng ký thực tế. Chính Vinasun cũng thừa nhận những sự chênh lệch này có thể do Công ty Cửu Long hiểu sai hoặc cộng thêm số lượng xe của công ty con nằm ngoài phạm vi TP.HCM và cần phải kiểm tra lại với công ty Cửu Long?!
Tuy nhiên, do công ty giám định Cửu Long không có mặt tại tòa nên những vấn đề do Grab đặt ra chưa có lời giải. Trước đó, phía Grab cũng đã đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập đơn vị tiến hành giám định phiên tòa cùng tham gia nhưng đã không được HĐXX chấp thuận.
Ngày 19-10, tòa tiếp tục xử với phần hỏi đáp và tranh luận giữa các bên.