'Những trang trại của lãnh đạo ở miền núi': Rút kinh nghiệm, khắc phục những sai sót

Thứ Năm, 06/10/2016 21:59  | Hoàng Quân

|

(CAO) Gần đây, dư luận tại Thừa Thiên - Huế có nhiều ý kiến về các trang trại, dự án được cho là của lãnh đạo, cán bộ ở huyện miền núi biên giới A Lưới cũng như mối quan hệ của các lãnh đạo này. PV tìm hiểu và có những thông tin khách quan về vụ việc.

Những trang trại của lãnh đạo huyện và người thân

Cuối tháng 9-2016, sau hơn 2 giờ vất vả từ TP.Huế theo Quốc lộ 49 xuyên đường rừng núi quanh co, chúng tôi cũng đến được ngã ba Bốt Đỏ (huyện A Lưới). Từ đây theo đường Hồ Chí Minh về phía Nam thêm khoảng 10km nữa là đến ngã rẽ vào đường quốc phòng S8 và đi hơn 4km nữa là đến điểm du lịch suối Cân Te (xã Hương Phong). Nơi đây rộng chừng 3- 4ha nằm sát rừng nguyên sinh thuộc Tiểu khu 316. Một nhà sàn được dựng dở dang nằm ở giữa. Sức hút của khu du lịch là suối Cân Te với nước mát, trong xanh.

Khu du lịch Cân Te

Du khách đến đây sẽ tắm suối tự nhiên, lội bộ tham quan rừng nguyên sinh, nghe tiếng chim hót… cảm thấy rất thú vị. Có hơn 10 lán trại dựng bằng gỗ, mái che bằng lá làm nơi cho khách ngồi nghỉ ngơi... Chị Sương (45 tuổi), người bán nước cho biết, ở đây mới khai thác thí điểm (từ đầu năm 2016). Khách không nhiều, đa phần là khách miền xuôi đi tham quan các điểm hoang sơ của miền núi và bà con địa phương đến tắm suối. Khu du lịch đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa được hoàn chỉnh và một số hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp do ảnh hưởng mưa lũ…

Chúng tôi tiếp cận khu trang trại cách đó vài trăm mét mà chủ nhân là người thân của ông Hồ Xuân Trăng – Bí thư Huyện ủy. Nơi đây rộng khoảng 4ha được đầu tư nuôi heo rừng và các loại gia súc, gia cầm. Heo rừng nuôi được xuất bán đi nhiều nơi, giá từ 200 – 300 nghìn đồng/kg tùy loại. Một căn nhà sàn kiên cố hoành tráng được dựng lên cách đây gần chục năm đang nhộn nhịp người ở trong. Nhà hiện do anh Phúc (quê Hòa Bình) cùng vợ và 2 con ở. Anh Phúc tự hào nói: “Trang trại đứng tên ông Hồ Xuân Trạch (em trai ông Trăng - PV). Mình được chủ tin tưởng giao cho làm quản lý ở đây”.

Cách trang trại này khoảng 2km là trang trại của một Phó Chủ tịch UBND huyện với quy mô nhỏ chủ yếu để chăn nuôi, vườn trồng cây ăn quả, trồng rau. Trang trại này nằm trên diện tích rừng sản xuất… Chủ nhân mua lại đất của một người dân và đầu tư trang trại chăn nuôi, trồng rau, hoa quả.

Khu trang trại của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới

Khuất sau một quả đồi gần làng Thanh niên lập nghiệp là một trang trại của ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện. Trang trại nằm trong một thung lũng giống như một lòng chảo, xung quanh là rừng sản xuất, rừng tự nhiên. Nơi đây có một căn nhà ở kiên cố, một số nhà lán, các chòi khác. Nhiều hạng mục khác đang tiếp tục được xây dựng. Chủ nhân cho trồng rừng sản xuất, trồng cỏ, nuôi bò, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao...

Ông Hùng cho biết khu đất rộng 3,2ha là ông mua lại của một trưởng công an xã đã về hưu với giá 120 triệu đồng, đất có sổ đỏ trong đó có 200m2 đất ở. Mục đích nhằm phát triển mô hình kinh tế để bà con nhân dân học tập, làm theo; đồng thời trong tương lai sẽ phát triển du lịch kiểu homestay (nghỉ tại nhà dân) và hy vọng sẽ trở thành một trong những điểm du lịch thú vị, tạo cú hích cho du lịch của huyện nhà.

Phát triển mô hình trang trại, du lịch để người dân học tập

3 trong số 4 trang trại nằm trên diện tích rừng (loại rừng trung bình, rừng trống có lác đác cây tự nhiên), được chuyển đổi sang rừng sản xuất. Đất và rừng do UBND xã quản lý, sau đó giao cho các nhóm hộ quản lý, bảo vệ. Ông Mai Văn Linh – Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết, tại Khu du lịch Cân Te, ngày 22-1-2015, UBND xã kiểm tra, lập biên bản về việc xây dựng trái phép công trình nhà ở (dùng để phục vụ bảo vệ rừng) đối với đại diện nhóm hộ là ông Nguyễn Văn Đai. Việc khai thác du lịch ở đây thì UBND huyện đã có chủ trương và đang trong giai đoạn thăm dò, thí điểm.

Những con khỉ nuôi nhốt từ nhỏ đã được thả vào rừng tự nhiên sau khi phóng viên phản ánh

Mới đây, ngày 15-8-2016, Hạt kiểm lâm huyện A Lưới kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu chủ nuôi phải thả 4 con khỉ (động vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ) rừng để hòa nhập với môi trường tự nhiên. Khi PV phản ánh, ngành chức năng đã phối hợp với chủ hộ nuôi thả khỉ vào rừng tự nhiên.

Ông Lê Nhân Đức – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện A Lưới cho biết: “Sau khi Hạt kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu chủ hộ thả động vật vào rừng. Chủ hộ trình bày đợi thời điểm thích hợp để chăm sóc vật nuôi cho khỏe rồi mới thả vào rừng. Việc này được làm cẩn thận bởi những con khỉ trên được nuôi từ nhỏ, thả ra ngoài dễ bị săn bắt”.

Trung tá Nguyễn Nam Sinh – Phó Trưởng Công an huyện A Lưới cho biết cùng với 5 hộ dân khác nằm trong nhóm bảo vệ, quản lý rừng và có thực hiện một số hạng mục để thí điểm làm du lịch suối Cân Te.

Ông Sinh trình bày: “Tôi thừa nhận khai thác du lịch như vậy là chưa đúng khi chưa có quyết định thực hiện dự án. Nhưng khách quan mà nói thì việc đầu tư rất nhỏ lẻ, chỉ một số hạng mục cải tạo từ tự nhiên, ít tác động đến môi trường thiên nhiên. Hơn nữa mục đích của anh em không phải kinh doanh mà nhằm để quản lý, bảo vệ rừng được tốt hơn. Trước đây khu vực này bị thả nổi thì tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản, động vật rừng diễn ra nhức nhối. Từ khi anh em được giao bảo vệ thì tình trạng này hầu như không còn”.

Tờ rơi cảnh báo việc phá rừng, phản ánh tình trạng phá rừng đến đường dây nóng

Về những của các lãnh đạo và người thân được xây dựng trên đất lâm nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn thừa nhận có sự sai sót, xin rút kinh nghiệm và chấn chỉnh. “

Đất và tài sản trên đất của mỗi trang trại chỉ trên dưới 500 đến 1 tỷ đồng. Anh em cán bộ đa phần là người trẻ nên huyện cũng tạo điều kiện một phần để phát triển kinh tế trang trại chứ không có ý định lợi dụng để lấn chiếm rừng, tham ô, tham nhũng hay lãng phí, làm chuyện gì xấu. Quan điểm của huyện là lãnh đạo làm những mô hình phát triển kinh tế trang trại (chủ yếu chăn nuôi, trồng rau, hoa quả)… cộng phát thí điểm đầu tư du lịch kiểu hộ gia đình để dân làm theo.

Chúng tôi hy vọng sau này nhân dân, du khách lên với vùng đất là cái nôi của cách mạng không chỉ nổi tiếng về chiến trang, bom mìn, nỗi đau chất độc da cam, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khó mà còn thấy A Lưới đang thay da đổi thịt, phát triển dần dần, có những điểm nhấn để thu hút người dân các nơi”, ông Hùng chia sẻ.

Dư luận còn xôn xao việc các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của huyện A Lưới là anh em “cọc chèo”, ông Hùng thẳng thắn: “Vợ tôi và vợ các lãnh đạo, cán bộ khác là chị em ruột trong nhà. Nhưng chúng tôi lấy vợ từ 10 – 20 năm trước khi đang còn là cán bộ, nhân viên bình thường.

Quá trình sống, học tập, công tác, mỗi người nỗ lực, phấn đấu vươn lên khẳng định mình; được Đảng, nhà nước phân công nhiệm vụ, được nhân dân tin tưởng, đồng thuận. Mình làm tốt thì được tin tưởng, giao phó chứ mình làm không tốt, sai phạm, bao che cho nhau thì không thể ở vị trí như hôm nay được”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang