(CAO) Đây là ý kiến được nhiều doanh nghiệp nêu lên trong Hội nghi đối thoại giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM gặp gỡ với doanh nghiệp, doanh nhân được tổ chức tại hội trường Thành ủy vào chiều ngày 3-10.
“Trên trải thảm, dưới rải đinh”
Mở đầu buổi đối thoại, ông Huỳnh Văn Minh – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết trong thời gian qua Đảng và Nhà nước luôn đưa ra nhiều chủ trương chính sách rất kịp thời, rất hợp lòng dân và doanh nghiệp. Nhưng rất buồn là khâu tổ chức thực hiện quá chậm, thậm chí khi triển khai còn làm sai lệch với nội dung của chính sách luật pháp.
Ông Minh cho rằng còn tình trạng "trên rải thảm, dưới rải đinh" khiến doanh nghiệp lo ngại - Ảnh: Thiên Minh
Ông Minh nói thẳng là nhiều cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp, nói chưa đi đôi với làm theo kiểu “trên rải thảm, dưới rải đinh” khiến các doanh nghiệp chưa yên tâm.
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch hiệp hội các KCX, KCN TP.HCM ví von nhiều người nói “sống và làm việc theo pháp luật” nhưng các doanh nghiệp hiện nay đang sống và làm việc bằng Nghi định và Thông tư vì có tới hàng rừng các quy định ràng buộc.
Ông Bé cho biết hiện nay có quá nhiều văn bản thủ tục hành chính ràng buộc các doanh nghiệp như Bộ Tài Chính có 1.645 thủ tục, Bộ Lao động TB&XH có 569 thủ tục hành chính, 569 thủ tục với Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn và 548 thủ tục hành chính từ Bộ Công thương… Bên cạnh đó các doanh nghiệp còn phải chịu hàng trăm giấy phép con dẫn đến sự trì trệ rất lớn. “Nếu luật càng chi tiết thì không cần các nghị đinh, nghị định càng chi tiết thì không cần thông tư để bớt phiền hà”, ông Bé nói.
Để khắc phục tình trạng trên, ông Huỳnh Văn Minh cho rằng Chính phủ khi ban hành quyết định về những vấn đề liên quan đến chủ trương, chính sách phát triển kinh tế thì nên tham khảo ý kiến các doanh nghiệp. Việc tham gia góp ý của các doanh nghiệp sẽ kịp thời phát hiện và điều chỉnh các vướng mắc và tạo sự đồng thuận cao để sớm đưa nghị quyết vào đời sống xã hội.
Cũng bày tỏ về sự chưa hài lòng với cách quản lý hiện nay, ông Đỗ Long - Chủ tịch Công ty Bitas tỏ ra quan ngại về tình trạng các đoàn đến kiểm tra doanh nghiệp hàng năm về phòng cháy chữa cháy, an toàn lao động, môi trường... “Doanh nghiệp nào biết điều thì còn đỡ, còn không biết điều thì đoàn này vừa ra đã có đoàn khác vào khiến doanh nghiệp không còn đầu óc nào mà làm việc cả. Nên chăng gom tất cả các đoàn kiểm tra riêng lẻ đó thành một đoàn kiểm tra liên ngành làm một lượt trong năm để doanh nghiệp có thời gian làm việc khác”, ông Long kiến nghị.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trò chuyện cùng cộng đồng doanh nghiệp - Ảnh: Thiên Minh
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn bày tỏ lo lắng về nguyên liệu ngành nhựa hiện nay đang phải nhập khẩu 90% với kim ngạch nhập khẩu hạt nhựa từ 6-7 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó các nước trong khu vực Asean như Thái Lan, Indonesia… hiện đáp ứng đủ cho sản xuất trong nước và có dư nguồn cung hạt nhựa để xuất khẩu sang Việt Nam kiếm lời. Đáng lo hơn, từ ngày 1-9 vừa qua Nhà nước áp dụng thuế nhập khẩu 3% với hạt nhựa PP khiến giá nguyên liệu mặt hàng này tăng cao, gây áp lực rất lớn đến các doanh nghiệp trong nước khi phải cạnh tranh với các nước trong khu vực. Do vậy, ông Việt Anh kiến nghị Chính phủ nên có lộ trình để tăng thuế nhập khẩu hạt nhựa chứ không nên tang một lúc quá cao như vậy.
Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước do
Ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho biết trong thời gian qua lãnh đạo thành phố luôn chú trọng giải quyết các bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề cải cách thủ tục hành chính được thành phố rất quan tâm. Tuy nhiên, có những vấn đề cần phải có thời gian mới giải quyết được. Bí thư Thành ủy mong doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền thành phố để hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực canh tranh quốc gia, đưa TP.HCM xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Lãnh đạo thành phố cam kết tạo môi trường bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển - Ảnh: Thiên Minh
Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết thêm trong thời gian tới thành phố sẽ lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo cho hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố. Thành phố cũng cam kết sẽ kiến tạo môi trường công bằng, tạo điều kiện môi trường thuận lợi để mọi doanh nghiệp phát triển bình đẳng, giúp giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Đồng thời thành phố cũng sẽ tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo để bảo đảm đến năm 2020, toàn thành phố có 500 ngàn doanh nghiệp đăng ký hoạt động.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã có sáng kiến tổ chức cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa để lắng nghe, chia sẻ và giải đáp các thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp. Ông đề nghị đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của cấp ủy, chính quyền TP.HCM thì lãnh đạo thành phố cần quan tâm giải quyết. Với các kiến nghị liên quan đến các bộ ngành trung ương thì ông sẽ ghi nhận và chỉ đạo các bộ ngành sớm giải quyết và thông báo cho cộng đồng doanh nghiệp. Chủ tịch nước cũng cam kết đảm bảo sự ổn định, nhất quán về chính sách, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế đảm bảo tính minh bạch; hoàn thiện thể chế phát triển doanh nghiệp, doanh nhân, tạo dựng môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng.