Những món trang sức đang góp phần giết chết loài voi

Thứ Sáu, 03/08/2018 12:00

|

(CAO) Ngày 3-8-2018, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk (CAĐL) cho biết đang tạm giữ, xác minh 1,6 kg các sản phẩm nghi làm từ ngà voi không có nguồn gốc hợp pháp để xử lý theo pháp luật.

Cụ thể, trưa 30-7-2018, sau khi nhận tin báo của người dân, Cảnh sát kinh tế CSKT) Công an tỉnh bắt quả tang  Nguyễn Thành Phương (SN 1985, ngụ P.Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) đang thực hiện hàng vi mua bán các sản phẩm nghi làm từ ngà voi. Tại hiện trường, Phương không trình được bất cứ giấy tờ hợp pháp nào chứng minh nguồn gốc các sản phẩm trên (vòng đeo tay, vòng đeo cổ, nhẫn,… ).

Đây không phải là trường hợp đầu tiên về hành vi trao đổi, buôn bán trái phép các sản phẩm làm từ ngà voi. Trước đó, 13 giờ 30 ngày 8-6-2018, CSKT CAĐL tiến hành kiểm tra, phát hiện Nguyễn Thành Lợi (SN 1989, ngụ P.Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) đang có hành vi mua bán, kinh doanh các loại trang sức nghi làm từ ngà voi.

Tại thời điểm kiểm tra, Lợi không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp đối với 10,9kg tang vật trên. Hiện toàn bộ số tang vật đang được niêm phong để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo pháp luật.

Tang vật 10,9kg trang sức nghi làm từ ngà voi của đối tượng Lợi tại cơ quan công an.

10 giờ sáng 27-3-2018, Phòng CSKT CAĐL phát hiện một đối tượng nữ điều khiển xe máy BS: 47B2-303.72 tại khu vực đường Y Bí Alê Ô (P.Thắng Lợi, TP.Buôn Ma Thuột) có dấu hiệu khả nghi nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Tại hiện trường, đối tượng khai tên Đinh Thị Việt Hà (SN 1987, ngụ P.Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đang vận chuyển 4,7kg các sản phẩm trang sức làm từ ngà voi, không có nguồn gốc. CSKT tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Hà thì phát hiện thêm 3kg sản phẩm làm từ ngà voi. Sau khi tiến hành xác minh, làm rõ, Phòng CSKT CAĐL đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can để tiếp tục điều tra, xử lý theo pháp luật.

ĐẢM BẢO NGHIÊM MINH PHÁP LUẬT NHẰM BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ

Trong hai ngày (2 và 3-8-2018), Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) phối hợp cùng WildAid (Tổ chức cứu trợ hoang dã) và Change tổ chức hội thảo tham vấn đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về các tội liên quan đến động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm tại TP. Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk).

Chủ trì hội thảo là ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án TANDTC; ông Trần Văn Cò – Thẩm phán TANDTC; ông Nguyễn Duy Hữu - Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk cùng đại diện lãnh đạo sở ban ngành có liên quan trên địa bàn Tây Nguyên và các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án TANDTC

Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Trong đó có quy định về các tội liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã tạo một hành lang pháp lý vững chắc, góp phần xử lý, răn đe đối tượng phạm tội này. Việc TANDTC soạn Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật hình sự nhằm tạo điều kiện công tác giải quyết, xét xử loại tội phạm này được thống nhất trong phạm vi toàn quốc, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Đông đảo đại biểu dự hội thảo

Theo số liệu thống kê của TANDTC, từ năm 2015 đến 2017 đã thụ lý 231 vụ/339 bị cáo vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp quý, hiếm. Trong đó, chỉ có 8 bị cáo áp dụng từ 3-7 năm tù, 96 trường hợp tù từ 3 năm trở xuống, các vụ việc còn lại, đối tượng phạm tội chỉ bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc tù giam nhưng cho hưởng án treo.

Theo đánh giá của TANDTC thì các mức hình phạt đối với người phạm tội chưa đủ sức răn đe, chưa góp phần ngăn chặn tình trạng vi phạm. Tại hội nghị này, ngoài việc trao đổi những ý kiến khác nhau về quy định tại 2 điều của luật là điều 234 và 244 thì Ban tổ chức muốn tiến tới ban hành được Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn áp dụng điều 234 và 244 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017.

Bình luận (0)

Lên đầu trang