Quyết liệt xử lý
Vùng biển Tây Nam rộng lớn, nhiều đảo và thường xuyên có lượng tàu đánh cá lên đến hàng chục ngàn chiếc hoạt động nên bọn buôn lậu lợi dụng trà trộn để mua bán, vận chuyển hàng lậu. Để qua mắt cơ quan chức năng, chúng sử dụng tàu cá cải hoán thành tàu dầu để phục vụ cho việc mua dầu DO từ các tàu không rõ danh tính.
Ngoài ra, nhiều đối tượng còn dùng thủ đoạn như thay đổi tên và số hiệu phương tiện, tuyến hành trình, tắt thiết bị định vị hòng qua mặt lực lượng chức năng. Tùy tình hình thực tế, sau khi mua lại từ các tàu không rõ nguồn gốc, số dầu trên được bán lại ngay cho tàu cá đang hoạt động trên biển hoặc vận chuyển vào nội địa để tiêu thụ.
Ngày 27/7, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện một tàu cá vận chuyển trái phép khoảng 40.000 lít dầu diesel (D.O) trên vùng biển Tây Nam. Cụ thể, lúc 2 giờ cùng ngày, trong quá trình tuần tra, kiểm soát tại khu vực biển cách Đông Nam cửa Bồ Đề (tỉnh Cà Mau) khoảng 150 hải lý, Tổ công tác Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 kiểm tra tàu cá CM 92519 TS do ông Nguyễn Thanh Sang (SN 1981) làm thuyền trưởng, chở 4 thuyền viên.

Tàu cá CM 92519 TS vận chuyển trái phép trên 40.000 lít dầu DO
Tại thời điểm này, ông Sang khai tàu cá đang vận chuyển khoảng trên 40.000 lít dầu D.O, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa nhằm đem bán cho các tàu cá đang hoạt động trên biển. Lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã lập biên bản tạm giữ phương tiện, niêm phong hàng hóa và dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 421 thuộc Hải đoàn 42 để xử lý theo quy định.
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều vụ mà lực lượng chức năng phát hiện. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn tổ chức hoạt động vi phạm ngày càng táo tợn. Về phương thức và thủ đoạn, bọn chúng thường lợi dụng đêm tối, khu vực có nhiều cửa sông, cửa biển, các vùng, đảo để luồn lách. Khi gặp lực lượng tuần tra trên biển, các đối tượng sẵn sàng tăng tốc bỏ trốn, thậm chí đâm va, gây nguy hiểm cho người và phương tiện thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiếp nhận, xử lý 2 vụ, 3 tàu với hơn 100.000 lít dầu DO do Đoàn Trinh sát số 2, Cảnh sát biển Việt Nam bàn giao. Ban đầu, các đối tượng xuất trình hồ sơ về hàng hóa vận chuyển trên tàu. Qua làm việc, các đối tượng khai nhận toàn bộ số dầu DO vận chuyển trên 3 tàu được mua trôi nổi ở đất liền sau đó hợp thức hóa hồ sơ để bán cho các tàu cá.
Theo cán bộ của một Hải đoàn Biên phòng, quá trình thực hiện hành vi vi phạm, bọn buôn lậu thường tổ chức thành nhiều đường dây mua bán, vận chuyển dầu từ đất liền ra biển và ngược lại. Các phương tiện vi phạm được trang bị khá hiện đại, khi hoạt động trên biển luôn tìm mọi cách trốn tránh lực lượng chức năng. Đáng chú ý, bọn chúng thường tắt thiết bị theo dõi, giám sát, khi phát hiện lực lượng chức năng thì tăng tốc chạy trốn; nhiều trường hợp cố tình đâm, va vào tàu của lực lượng làm nhiều vụ...

Phát hiện khoang chứa dầu lậu
Tháng 5/2025, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 thực hiện đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc theo Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ, đơn vị vừa phát hiện tàu vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu diesel (DO) trái phép trên vùng biển Tây Nam.
Trước đó, lúc 22 giờ ngày 20/5, trong quá trình tuần tra trên vùng biển Tây Nam, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 kiểm tra tàu cá TG 91387 TS do ông Lê Văn Đức (SN 1984, trú tỉnh Cà Mau) làm thuyền trưởng. Ngoài ra, trên tàu có 5 thuyền viên, chủ tàu là ông Hồ Ngọc Thanh (trú tỉnh Tiền Giang cũ).
Tại thời điểm kiểm tra, ông Đức khai tàu vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu DO, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Số hàng trên nếu trót lọt sẽ bán cho các tàu cá khai thác thủy sản trên biển. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã lập biên bản tạm giữ phương tiện, niêm phong hàng hóa; tổ chức dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 422/Hải đoàn 42 để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Móc nối, hoạt động khép kín
Tình trạng mua bán xăng dầu lậu thường diễn ra tại các khu vực biển tiếp giáp giữa vùng biển của Việt Nam với các nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia và Campuchia. Những phương tiện vi phạm thường được trang bị khá hiện đại, khi hoạt động trên biển luôn tìm mọi cách trốn tránh lực lượng chức năng.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là cải hoán tàu đánh cá thành phương tiện để chở xăng dầu lậu, lắp đặt thêm các trang thiết bị phát hiện tàu từ xa, neo đậu ở các vùng biển giáp ranh. Sau đó, bọn chúng lợi dụng đêm tối chuyển xăng dầu sang các tàu nhỏ, thay đổi tên, số hiệu tàu, cho phương tiện chạy lòng vòng trên biển, khi cảm thấy an toàn mới tiến hành bơm sang các tàu cá. Ngoài ra, nhiều đối tượng còn dùng thủ đoạn như: thay đổi tên và số hiệu phương tiện, tuyến hành trình, tắt thiết bị định vị hòng qua mặt lực lượng chức năng. Chính vì vậy, những phương tiện này được ví như con "tàu ma" trên biển.

Một vụ buôn lậu xăng dầu trên biển Tây Nam bị phát hiện
Ngay cả khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, bọn buôn lậu tìm mọi cách để đối phó như hợp thức hóa chứng từ, hóa đơn hoặc chuẩn bị sẵn lời khai, hồ sơ tài liệu để hợp thức hóa lô hàng. Các đối tượng mua bán xăng dầu trên biển thường móc nối giao nhận xăng dầu, tiền thông qua người trung gian, hoạt động theo mô hình khép kín. Tùy tình hình thực tế, sau khi mua lại từ các tàu không rõ nguồn gốc, số dầu trên sẽ được bán lại cho các tàu cá đang hoạt động trên biển, hoặc vận chuyển vào nội địa để tiêu thụ.
Tình trạng buôn lậu xăng dầu trên vùng biển Trà Vinh đang diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển, Bộ Chỉ huy BĐBP Trà Vinh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tăng cường nắm chắc tình hình; tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện hoạt động trên biển.
Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, BĐBP Trà Vinh đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển. Điển hình, lúc 14 giờ 30 ngày 18/4, tổ công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa phối hợp với Hải đội Biên phòng 2, BĐBP Trà Vinh tổ chức tuần tra, phát hiện tàu cá BS: KG 92831TS do ông Mai Văn Hạnh (SN 1977) làm thuyền trưởng, chở 2 thuyền viên đang hoạt động trên vùng biển tỉnh Trà Vinh có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, trên tàu cá không có thủy sản, bên trong hầm số 7 có 16 két nhựa (trong đó 6 két chứa 8.000 lít chất lỏng nghi là dầu DO). Đấu tranh tại chỗ, ông Hạnh thừa nhận số chất lỏng chứa trong 6 két nhựa chính là dầu DO. Toàn bộ số dầu trên đều không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp.
Tương tự, lúc 7 giờ 30 ngày 28/4, trong lúc thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Hải đội Biên phòng 2 phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa phát hiện phương tiện BS: TG 94458TS, trên tàu có 3 thuyền viên hành nghề khai thác thủy sản có nhiều dấu hiệu nghi vấn.
Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có nhiều khoang hầm chứa chất tinh thể lỏng có mùi dầu, với khoảng 16.000 lít cùng nhiều dụng cụ dùng để bơm hút dầu như máy bơm, đồng hồ đo số lượng, ống nhựa loại lớn... Điều đáng nói, các thuyền viên không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng trên. Lực lượng làm nhiệm vụ đã đưa người, phương tiện về cảng Trường Long Hòa điều tra, làm rõ.