TÂY NINH:

Vì sao hàng loạt dự án trọng điểm vẫn "trùm mền" nhiều năm

Thứ Ba, 22/07/2025 10:33

|

(CATP) Nhiều dự án đầu tư không mang lại hiệu quả hoặc nhà đầu tư chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, hay liên quan đến vụ án nên kéo dài hàng chục năm… để tài sản hư hỏng, mọc đầy cỏ dại.

Theo danh sách, Nhà máy bột giấy Phương Nam được đầu tư "hoành tráng" nhất vào năm 2003, ở vùng sâu Đồng Tháp Mười (xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, Long An cũ) để thu mua và sản xuất đay làm bột giấy được người dân 5 huyện chờ đợi như làn gió mới thổi về.

Dự án này được Thủ tướng cho phép Công ty Đầu tư phát triển Giao thông Vận tải (TRACODI) làm chủ đầu tư vào tháng 10/2003 với số vốn hơn 1.487 tỷ đồng, quy mô 100.000 tấn bột giấy/năm. Tháng 11/2007, TRACODI điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 2.287 tỷ đồng. Tháng 6/2012, VINAPACO cơ bản hoàn thành xây dựng, lắp đặt thiết bị và chạy thử không tải. Tuy nhiên, quá trình chạy thử có tải không thành công.

VINAPACO tiếp tục điều chỉnh tổng mức đầu tư lên gần 3.410 tỷ đồng, đồng thời tìm các phương án đưa dự án vào hoạt động nhưng nhà máy không thể vận hành. Từ đó đến nay nhà máy chỉ phơi nắng, phơi sương giữa cánh đồng, tài sản hư hỏng nặng, giá trị không còn nhiều. Đến năm 2014, nhà máy chính thức dừng hoạt động cho đến nay. Nhiều lần Chính phủ, Bộ ngành họp bàn xử lý nhưng vẫn kéo dài, sau đó UBND Tỉnh Long An (cũ) kiến nghị quy hoạch thành khu đô thị sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ.

Một số dự án trọng điểm bị "trùm mền"

Khu đô thị Đông Nam Á Long An chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB), đầu tư; vướng mắc do sai thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng hiện đang chờ ý kiến Chính phủ cho tiếp tục thực hiện. Khu dân cư đối diện Bệnh viện Đa khoa Long An đến nay chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng, nhà đầu tư không bảo đảm năng lực, đang điều chỉnh quy hoạch trong tháng 6/2025, cấp giấy đất cho các hộ dân trong năm 2025.

Nằm trong danh sách còn có Khu dân cư Gò Đen. Dự án đã cấp giấy, có đầu tư hạ tầng nhưng chưa hoàn chỉnh. Hiện không liên hệ được chủ đầu tư, dân chưa được cấp giấy đất. UBND tỉnh thông báo nhà đầu tư thực hiện các thủ tục cấp giấy đất. Trường hợp nhà đầu tư không liên hệ thực hiện thì tỉnh sẽ hủy các giấy đất của công ty và cấp cho các hộ dân.

Bên cạnh đó, Khu công nghiệp Đức Hòa III - Hồng Đạt, Khu đô thị Hành chính tỉnh chờ xác định nghĩa vụ tài chính do điều chỉnh quy hoạch. Trong quý III/2025, sớm xác định nghĩa vụ tài chính để nhà đầu tư thực hiện. Đối với khu Công nghệ Môi trường Xanh (xã Tân Long), kiến nghị giảm quy mô từ 1.760ha còn 200ha, phần còn lại phát triển khu công nghiệp (KCN) đang chờ Trung ương chấp thuận.

Khu dân cư Thái Bình Dương (Bến Lức cũ) đã cấp giấy, có đầu tư hạ tầng nhưng chưa hoàn chỉnh; người đại diện mất, công ty bị phong tỏa hóa đơn, không thực hiện các thủ tục tiếp theo. UBND tỉnh tiếp tục thông báo nhà đầu tư thực hiện các thủ tục trong quý 3/2025. Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện sẽ thu hồi dự án. Với Khu đô thị Hồng Phát, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, đầu tư. Ngoài ra lại liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, đang thi hành án quốc tế; tỉnh hướng dẫn nhà đầu tư thành lập liên doanh thực hiện tiếp dự án.

Đối với 2 Khu công nghiệp An Nhựt Tân, Suntec; Khu giải trí Khang Thông; các khu tái định cư, dân cư của Công ty Hòa Thuận Phát, Công ty Thành Hiếu, Công ty Tân Thành Long An liên quan vụ Vạn Thịnh Phát. Hiện nay, tỉnh Tây Ninh đang phối hợp Cục Thi hành án dân sự TPHCM và Ban chỉ đạo Trung ương liên quan thi hành án vụ án Vạn Thịnh Phát để giải tỏa tiếp tục triển khai.

Với Cụm công nghiệp (CCN) Nhựt Chánh II, do còn đang tranh chấp nội bộ, chờ quyết định của tòa phúc thẩm và kết quả điều tra làm rõ của cơ quan Công an. Chính quyền yêu cầu nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục trong quý III/2025, điều chỉnh tách 2 dự án để thành lập 2 CCN, hoàn thành các thủ tục còn lại. Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện sẽ thu hồi dự án.

Dự án này, theo kết luận Thanh tra số 5867/KL-UBND (ngày 26/9/2020) của UBND tỉnh Long An, diện tích khu đất rộng hơn 121ha, thời gian thực hiện 50 năm kể từ ngày 21/7/2009. Tuy nhiên, cho đến nay kéo dài gần 15 năm, khu "đất vàng" bị bỏ hoang giờ toàn cỏ dại, ao mương và là nơi chăn trâu bò của người dân vùng lân cận.

"Đối với 7 dự án quy mô lớn, kéo dài, cử tri phản ánh, UBND tỉnh, các sở ngành tỉnh và địa phương đã rà soát, đánh giá kỹ nguyên nhân, xác định giải pháp, hướng xử lý đối với từng dự án nhằm tháo gỡ, giải quyết dứt điểm, dự kiến hoàn thành xử lý trong năm 2025", UBND tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang